Dự án xây dựng khu tái định cư và tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất”, có 172 hộ dân được thông báo nằm trong diện di dời giải tỏa trắng, trên tổng diện tích khoảng hơn 13ha. Năm 2008, UBND TP. Biên Hòa ra quyết định thu hồi đất để phục vụ cho dự án nói trên. Tuy nhiên, sau đó dự án này đã “biến” thành dự án kinh doanh của một doanh nghiệp, làm người dân bức xúc, khiếu kiện khắp nơi…
“Kế thừa” dự án để kinh doanh
Tháng 11/2011, chỉ một số hộ dân có đất nằm trong dự án trên nhận được bảng chiết tính giá trị bồi thường do Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND TP. Biên Hòa đưa ra, quy định mức bồi thường đất cùng tài sản khác cho các hộ dân.
Có điều, tên dự án ở khu vực giải tỏa lúc này đã chuyển sang thành Dự án khu thương mại và nhà ở cao tầng phường Thống Nhất, do Cty cổ phần vật liệu xây dựng Thế Giới Nhà làm chủ đầu tư. Nghĩa là, tính chất lúc này đã chuyển đổi từ dự án Nhà nước sang dự án của doanh nghiệp. Điều khó hiểu là khi mục đích sử dụng khu đất này đã thay đổi, nhưng UBND TP Biên Hòa vẫn ra quyết định thu hồi cùng văn bản áp giá bồi thường như cũ - gây thiệt hại đáng kể đến quyền lợi của người dân.
Cạnh đó, các hộ bị thu hồi đất trong Dự án khu thương mại và nhà ở cao tầng phường Thống Nhất cũng không được thông báo cụ thể hay tổ chức họp và gặp gỡ nhà đầu tư, mà thay vào đó là chính quyền?! Tức là, Thế Giới Nhà mặc nhiên hưởng lợi, không cần thông qua “đàm phán” với dân vì đã có chính quyền làm thay?
Về vấn đề này, ông Lê Trực, cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Biên Hòa khẳng định: “Dự án khu thương mại nhà ở cao tầng phường Thống Nhất là một phần của Dự án xây dựng khu tái định cư và tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất. Ngay từ đầu, công trình được xác định là dự án công cộng nên thuộc diện Nhà nước áp giá đền bù”.
Trong công văn trả lời đơn thư người dân khiếu nại, ông Nguyễn Tấn Tài, Phó Giám đốc của Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Biên Hòa cho rằng: “Cty Thế Giới Nhà được kế thừa các thủ tục do Ban Quản lý Dự án TP. Biên Hòa đã thực hiện để tiếp tục thực hiện dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt”. Việc kế thừa dự án trước đó chẳng khác nào tạo điều kiện cho nhà đầu tư thu lợi vượt gấp hàng trăm lần, nhưng người dân bị thu hồi đất không được phép có ý kiến? Và việc người dân gặp nhà đầu tư để thỏa thuận là trái với luật định hay chăng?.
Biến dự án “công” thành “tư”?
Bà Trương Thị Thìn bức xúc: Với mức bồi thường đất nông nghiệp là 316.000 đồng/m2 và hỗ trợ 35% theo giá đất đất thổ cư, thực sự người dân không thể ổn định cuộc sống sau khi giao đất.... Hơn nữa đây là dự án kinh doanh, theo quy định của luật thì chủ đầu tư phải thỏa thuận về mức bồi thường với người dân chứ không thể áp giá của Nhà nước được.
Ông Võ Văn Sáu thì đề nghị định giá lại, vì theo ông giá đền bù thấp như vậy mà còn bồi thường cho ông theo giá đất nông nghiệp, trong khi toàn bộ diện tích 69,7 m2 đất của ông được đăng ký là đất ở. Còn bà Trần Thị Mười cho biết, với giá thị trường thì phần đất của bà hiện nay phải trên vài tỉ đồng, so với mức giá mà chính quyền đưa ra thì quả là "một trời một vực".
Bà Trần Thị Mười chỉ phần đất và nhà sử dụng hàng chục năm bị thu hồi trắng |
2,1ha trong dự án Khu thương mại và nhà ở cao tầng mà Cty Thế Giới Nhà làm chủ đầu tư được xem như là khu đất “vàng” của tỉnh. Trước đó khu đất này nằm trong kế hoạch xây dựng công trình phục vụ lợi ích cộng đồng. Và với lý do chưa bố trí được vốn, nên UBND tỉnh đã đồng ý chuyển đổi sang mục đích kinh doanh. Từ đây xuất hiện sự thiếu tường minh trong các văn bản của chính quyền khiến các hộ dân nằm trong tầm ảnh hưởng bị thiệt thòi.
Một Luật sư thuộc Đoàn Luật Sư TP.HCM cho biết: “Theo Điều 28, Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 của Chính phủ, Nhà nước chỉ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế.
Đối với dự án đầu tư sử dụng đất không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì không phải làm thủ tục thu hồi đất; sau khi được giới thiệu địa điểm, chủ đầu tư và người sử dụng đất thỏa thuận theo hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp thay đổi mục đích sử dụng đất.
Riêng đối với các dự án kinh tế không nằm trong số 9 loại dự án quy định tại Nghị định 181/2004/NĐ-CP và bổ sung thêm tại Nghị định 84/2007/NĐ-CP, nhà đầu tư phải thương lượng với người có đất; Chính quyền chỉ giúp đỡ hai bên mau chóng có được tiếng nói chung chứ không can thiệp vào việc thỏa thuận và tất nhiên, không được ra quyết định thu hồi đất”.
N.Tuấn – T.Nhi