Đã nhận bồi thường nhưng không chịu trả đất
Phản ánh đến PLVN, ông Trác Huy Trường (SN 1985, trú tại P.11, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, khu đất hiện các hộ đang sử dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán gần ngã tư Bình Hòa vốn là thửa đất thổ cư số BK 599, tờ số 4, xã Bình Hòa Xã (nay là tờ bản đồ số 7, bộ địa chính phường 14), quận Bình Thạnh do ông Nguyễn Văn Đô (SN 1934) là chủ đất.
Tháng 11/1991, ông Nguyễn Văn Đô có văn bản thỏa thuận giao cho ông Nguyễn Đình Long (SN 1943) một phần thửa đất (có diện tích 157m2) để ông Long được “trọn quyền sử dụng mảnh đất trên để làm nhà ở và không có bất kì khiếu nại nào” (văn bản được đại diện UBND P14 xác nhận).
Tuy nhiên, tại thời điểm này thì thửa đất đang bị một số cá nhân đến sử dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán. Do muốn lấy lại đất sử dụng một cách nhanh chóng, ôn hòa nên ngay sau đó, ông Long đã tự nguyện hỗ trợ 18 cá nhân đang kinh doanh ở đây (mỗi người từ 2 đến 3 chỉ vàng 24k) để các hộ này di dời, trả lại đất nằm trong diện tích khu đát của ông Long. Các hộ này cam kết “không làm khó dễ, cản trở và khiếu nại ông Đô bất cứ vấn đề gì về việc việc ông Đô sử dụng đất này”
Nhưng sau khi nhận hỗ trợ, các hộ nêu trên vẫn không chịu trả lại đất cho ông Long, ông Đô. Thậm chí, có người còn cho người khác thuê lại địa điểm kinh doanh, gây thêm nhiều hệ lụy phức tạp.
|
Danh sách các hộ đã nhận tiền bồi thường của ông Đô năm 1991 và bằng lòng trả lại mặt bằng đã chiếm dụng của ông Đô |
Trước việc “có đất mà không được dùng” như trên thì mới đây, ông Long đã ủy quyền cho vợ chồng ông Trường thực hiện các công việc nhằm lấy lại thửa đất đang bị các hộ dân chiếm dụng làm nơi kinh doanh hàng chục năm qua.
Chợ tự phát tồn tại đến bao giờ?
Trong văn bản gửi đến Công an phường, UBND phường 14 cũng như các hộ đang kinh doanh trên khu đất, ông Trường khẳng định chợ tự phát này cần được giải tỏa vì nằm trên đất cá nhân; không nằm trong quy hoạch mạng lưới chợ thành phố và việc dựng các sạp hàng đều là xây dựng trái phép. Ngoài ra, các hoạt động mua bán diễn ra trong tình trạng thiếu an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC), không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không có đăng ký kinh doanh.
Từ những lý do trên, ngoài việc yêu cầu các hộ kinh doanh trả đất, ông Trường còn đề nghị Công an phường, UBND phường vào cuộc, giải tỏa chợ tự phát và xử lý các vi phạm về kinh doanh thương mại, an toàn thực phẩm, PCCC cũng như đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực. Tuy nhiên, đề nghị trên đã không nhận được phản hồi nào.
Cho rằng chủ đất là người chịu trách nhiệm về việc sử dụng đất hợp pháp, đúng mục đích cũng như chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn về PCCC và an ninh trật tự tại khu đất, chiều 7/8 ông Trường đã cho người đến rào bao khu đất nhằm tạm thời “đóng cửa” chợ tự phát, ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra.
Tuy nhiên, các hộ kinh doanh ở đây không đồng ý vì cho rằng họ đã kinh doanh ổn định ở đây đã 30 năm nay.
Trao đổi với phóng viên, ông Trường cho biết, do có sự phản ứng gay gắt và lớn tiếng của các hộ dân nên ngay trong chiều 7/8, công an phường 14 và cán bộ UBND phường 14 đã có mặt tại hiện trường để mời các bên đến trụ sở làm việc. Tuy nhiên, trong khi phía ông Trường sẵn sàng hợp tác, chấp hành yêu cầu trên thì lại không có bất cứ hộ dân nào lên UBND phường nhằm làm rõ vụ việc, cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh về tính hợp pháp cho việc sử dụng đất và kinh doanh ở đây.
Đáng nói, dù hàng rào không lấn chiếm vỉ hè, lòng đường nhưng UBND phường đã tiến hành thu giữ nhiều tấm tôn và lưới B40 của ông Trường vì cho rằng ông này đã dựng rào trong phạm vi đất dành cho người đi bộ, gây cản trở giao thông.
Không đồng tình với cách hành xử như trên của UBND phường 14, vợ chồng ông Trường khẳng định, với chứng năng quản lý của mình, đáng lẽ chính quyền địa phương phải xử lý và lên phương án giải tỏa chợ tự phát. Nếu cứ để việc kinh doanh, buôn bán này tiếp diễn thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tội phạm, kinh doanh trái phép, tai nạn cháy nổ hoặc ngộ độc thực phẩm tại khu đất?
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về những diễn biến tiếp theo liên quan đến vụ việc này.