TP HCM đã làm gì để kiểm soát dịch sởi?

(PLVN) - Hiện đã có 22 phường, xã tại TP HCM đủ điều kiện để ban hành quyết định công bố hết dịch sởi. Dù dịch sởi đang đi vào giai đoạn kết thúc nhưng thành phố vẫn tiếp tục duy trì công tác giám sát bệnh.
Ảnh minh họa

Theo Sở Y tế TP HCM, từ tuần 2 năm 2025 đến nay, số ca bệnh hàng tuần tại thành phố có xu hướng giảm nhanh ở tất cả các lứa tuổi. Tính đến tuần 12/2025, đã có 50 phường, xã thuộc 13 quận, huyện và TP Thủ Đức không ghi nhận ca sởi mới trong 3 tuần liên tiếp trở lên. Số ca mắc sởi trên toàn thành phố đã có khuynh hướng giảm rõ rệt so với giai đoạn cao điểm, cho thấy dịch bệnh đang đi vào giai đoạn kết thúc.

Sở Y tế đã thực hiện quy trình thẩm định hồ sơ và báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố công bố hết dịch bệnh sởi tại 22 phường, xã đủ điều kiện (cụ thể là không ghi nhận ca mắc mới sau 21 ngày liên tiếp và đã triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định).

TP HCM đã làm gì để chống dịch sởi hiệu quả?

Để đạt được kết quả này, Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ, trong đó chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi đóng vai trò then chốt. Ngay từ đầu năm 2024, TP HCM đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch sởi khi nguồn vaccine bị gián đoạn. Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch tiêm bù vaccine sởi và chỉ đạo HCDC tăng cường giám sát dịch bệnh.

Ngày 23/5/2024, ca sởi đầu tiên được phát hiện sau hơn 2 năm không ghi nhận ca bệnh trên địa bàn Thành phố, sau đó số ca mắc bắt đầu tăng dần. Song song giám sát sự xuất hiện và lưu hành của vi rút sởi, Sở Y tế đã chỉ đạo HCDC phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 1 và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) khai thác mẫu lưu trữ tại ngân hàng huyết thanh nhằm đánh giá miễn dịch cộng đồng.

Kết quả cho thấy tỉ lệ trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi có kháng thể phòng bệnh sởi chỉ đạt 86%, trong khi để có thể bảo vệ cộng đồng trước bệnh sởi thì tỉ lệ miễn dịch cần đạt trên 95%. Sử dụng công cụ đánh giá nguy cơ dịch sởi, kết quả cho thấy TP HCM có nguy cơ bùng phát dịch sởi rất cao.

Tháng 6/2024, đánh giá nguy cơ dịch sởi rất cao Sở Y tế đã tham mưu UBND công bố dịch sởi vào ngày tháng 8/2024. Ngay sau đó, chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi được triển khai mạnh mẽ.

Tính đến ngày 23/3/2025, chiến dịch tiêm vaccine sởi đã tiêm được 280.244 mũi tiêm trên toàn thành phố. Trong đó, tỷ lệ tiêm vaccine sởi cho nhóm trẻ từ 1 đến 5 tuổi đạt 100%, nhóm trẻ từ 6 đến 10 tuổi đạt 99,51% so với số trẻ đã rà soát được. Chiến dịch tiêm chủng đã góp phần kiểm soát dịch sởi tại Thành phố.

Bên cạnh các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng, hoạt động chăm sóc điều trị cũng được Sở Y tế quan tâm chỉ đạo sâu sát. Tính từ đầu đợt dịch đến nay, các bệnh viện của thành phố đã tiếp nhận 8.087 ca bệnh sởi từ các quận huyện và 12.226 ca bệnh sởi từ các tỉnh khác...

Những nỗ lực trong công tác điều trị đã góp phần kiểm soát số ca nặng và tử vong do bệnh sởi. Trong tổng số 8087 ca mắc của Thành phố, có 151 ca cần hỗ trợ hô hấp, chiếm tỷ lệ 1,6%; số tử vong là 7 ca (5 ca trong năm 2024 và 2 ca năm 2025) chiếm tỷ lệ 0.8/1000, tất cả các trường hợp tử vong là những trẻ có các bệnh lý bẩm sinh hoặc bệnh lý nền nặng, không được tiêm chủng vaccine trước đó.

Tiếp tục giám sát sau khi công bố hết dịch sởi

Sở Y tế cho biết, sau khi công bố hết dịch, thành phố vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ trong cộng đồng và trường học để kịp thời xử lý, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trở lại.

Bên cạnh đó công tác truyền thông được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của tiêm chủng, khuyến khích phụ huynh đưa trẻ đi tiêm đúng lịch và duy trì các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

Ngành y tế TP HCM khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch sởi. Để phòng chống dịch sởi hiệu quả, người dân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng, rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, ăn uống đầy đủ, nâng cao thể lực và giữ gìn vệ sinh môi trường sống.

Đọc thêm