Tại buổi làm việc, đại diện các bệnh viện trên địa bàn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, Bệnh viện Thống Nhất đã có những phản ánh với đoàn công tác của Bộ Y tế về những vướng mắc trong thời gian qua. Theo các bệnh viện, hiện các chi phí như khấu hao trang thiết bị, chi phí công nghệ thông tin (CNTT), chi phí đào tạo, chuyển giao cán bộ tại các đơn vị này chưa được tính vào giá khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, các bệnh viện của thành phố thường tiếp nhận các bệnh nhân của bệnh viện tuyến dưới các tỉnh (khoảng 50% tổng số lượt khám chữa bệnh), đa số là bệnh nặng, chi phí cao. Trong khi dự toán bảo hiểm xã hội không tăng. Do đó, kiến nghị Bộ Y tế sớm xem xét, chỉ đạo các đơn vị quyết toán với các cơ sở khám chữa bệnh y tế bị vượt trần về bảo hiểm y tế.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, mỗi năm người Việt chi tới 2-3 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Trong khi đó, về mặt trình độ, chuyên môn cũng như năng lực của đội ngũ y bác sĩ, trang thiết bị và các yêu cầu khác tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung hoàn toàn có thể thực hiện được, không phải ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ 11 đặt mục tiêu xây dựng TP HCM trở thành Trung tâm y khoa của khu vực. Chính vì vậy, thành phố mong Bộ Y tế hỗ trợ thực hiện tầm nhìn đó trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Và để thực hiện mục tiêu trên, thành phố đang triển khai các đề án có liên quan như: Đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế cho 8 ngành, trong đó có ngành y; phát triển y tế cộng đồng; phát triển y tế thông minh (nằm trong đề án đô thị thông minh) và phát triển công nghiệp dược.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng TP HCM là một trong những địa phương đầu tàu phát triển y tế của cả nước. Thời gian qua, thành phố rất quan tâm đến việc đầu tư vào hạ tầng y tế, hiện số giường bệnh/người dân đứng tốp đầu cả nước. Rất nhiều bệnh viện của thành phố đang là tuyến cuối của Bộ Y tế, cho thấy chất lượng khám chữa bệnh của thành phố đang ở mức rất cao.
Ông Nguyễn Thanh Long đánh giá cao TP HCM trong xử lý dịch bệnh Covid-19 rất hiệu quả. Đã kiểm soát được lây nhiễm Covid-19. Thành phố cần tiếp tục phát huy, đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế.
Bộ Y tế cũng sẽ cùng với TP HCM hiện thực hóa nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM đã đề ra, đó là phát triển TP HCM trở thành trung tâm y tế hàng đầu của khu vực. Theo đó, thời gian tới, các đơn vị của Bộ Y tế sẽ rà soát lại các thủ tục, quy định để tạo cơ chế thông thoáng, giúp thành phố chủ động hơn trong vấn đề chuyên môn, quản lý điều hành.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Long đề nghị thành phố cần đẩy mạnh, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực y tế. Bộ Y tế đang tập hợp các ý kiến để dự thảo trình Chính phủ ban hành một Nghị định riêng cho vấn đề xã hội hóa trong đầu tư cho ngành y tế.
Hiện hầu hết các cơ sở y tế Trung ương trên địa bàn thành phố đều có nguyện vọng mở rộng khám chữa bệnh, do đó rất cần thành phố hỗ trợ các nguồn lực như đất đai, nguồn vốn kích cầu đầu tư. Quan tâm phát triển Khu phức hợp y tế, trong đó có trường đại học, các bệnh viện lớn của Trung ương và địa phương.
Với thị trường dược trong nước khoảng 5,2 tỷ USD mỗi năm, tới đây, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh phối hợp cùng thành phố, tạo điều kiện để các dự án sản xuất dược phẩm sớm triển khai đi vào hoạt động.
Về nhân lực y tế, tính đến đầu năm 2020, số bác sĩ đang làm việc trong hệ thống y tế thành phố là 17.881 người, số điều dưỡng đạt 31.301 người. Số bác sĩ /1 vạn dân là 19,88 (đạt 99,4% chỉ tiêu thành phố đề ra).