TP HCM: Khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 16 về công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì

(PLVN) - Từ ngày 8-10/11 tại TP HCM sẽ chính thức khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 16 về Công nghệ xử lý, Chế biến và Đóng gói bao bì tại Việt Nam - ProPak Vietnam 2023.

Sự kiện là nơi để các doanh nghiệp ngành bao bì tìm kiếm máy móc, thiết bị, công nghệ đột phá mới nhằm tân tạo dây chuyền sản xuất, tối ưu hóa quy trình chế biến và đóng gói, mở rộng sản xuất, đồng thời đáp ứng các nhu cầu về phát triển bền vững.

Tại lễ khai mạc, ông BT Tee - Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam - đơn vị tổ chức ProPak Vietnam cho biết: “Trong những năm qua, ngành chế biến, đóng gói thực phẩm và đồ uống đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, các ứng dụng giao hàng, cùng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

Bên cạnh lợi ích kinh tế, sự phát triển này đặt ra nhu cầu cấp bách về việc bảo vệ tài nguyên và môi trường, khi Việt Nam đang đối mặt với thách thức phải xử lý lượng rác thải ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) gia tăng đột biến.

Nhiều nhà sản xuất lớn đang nỗ lực mạnh mẽ để sáng chế ra các công nghiệp, vật liệu và thiết kế mới tạo ít chất thải hơn, có khả năng tái chế cao, giá thành thấp và quy trình đơn giản hơn. Đây cũng chính là vai trò của triển lãm: mang đến những công nghệ tiên tiến, cập nhật nhất giúp cải tiến quy trình sản xuất cho doanh nghiệp”.

Ông BT Tee - Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam phát biểu khai mạc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Sang - Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam có khoảng 14.000 doanh nghiệp bao bì, trong đó bao bì giấy 4.500, bao bì nhựa khoảng 9.200 doanh nghiệp. Nhìn chung công nghiệp bao bì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, trong giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng bình quân là 13,4%/năm.

Tương lai công nghiệp bao bì sẽ còn phát triển cùng với sự phát triển của kinh tế Việt Nam, chính vì vậy công nghiệp bao bì cũng là ngành hấp dẫn nguồn vốn đầu tư từ nhiều quốc gia. Thuận lợi nhiều, tất nhiên công nghiệp bao bì Việt Nam cũng đối đầu nhiều thách thức, cần phải tăng sức cạnh tranh bằng quản lý hiệu quả, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng công nghiệp bao bì thành ngành công nghiệp xanh đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế bền vững”.

Theo ông Sang, triển lãm lần này không chỉ là nơi trưng bày sản phẩm, công nghệ mới mà còn là cầu nối quan trọng của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng bao bì. Đây là nơi các doanh nghiệp có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới, góp phần định hình tương lai của doanh nghiệp.

Trên thực tế, bao bì là một trong những ngành công nghiệp quan trọng trong việc bảo quản, vận chuyển và phân phối hàng hóa. Market Research Future dự báo tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) cho thị trường toàn cầu của bao bì nhựa là 3,6%, bao bì giấy là 4,7% trong giai đoạn 2023 - 2030.

Theo Mordor Intelligence, thị trường bao bì nhựa Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 10,07 triệu tấn vào năm 2023 lên 15,09 triệu tấn vào năm 2028, với mức tăng trưởng hàng năm trung bình đạt 8,44% (2023 - 2028). Trong đó, bao bì giấy dự kiến đạt mức tăng trưởng đáng kể, từ 2,37 tỷ USD vào năm 2023 lên 3,77 tỷ USD vào năm 2028, với mức CAGR là 9,73%. Đồng thời, bao bì cho ngành thực phẩm, đồ uống tiếp tục chiếm thị phần đáng kể.

Đại diện các đơn vị tổ chức tại lễ khai mạc triển lãm ProPak Vietnam 2023.

Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử năm 2023 sẽ vượt trên 25% và đạt quy mô hơn 20 tỷ USD (Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam-EBI, 2023). Trái ngược với những biến động trong suy thoái thế giới, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia có nền thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực châu Á.

Tác động bởi dịch Covid-19 đã tạo ra thói quen tiêu dùng ưu tiên sự tiện lợi. Đây cũng chính là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, làm gia tăng lượng chất thải ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Điều này đặt ra bài toán về sự cân bằng lợi ích kinh tế và môi trường cho các công ty truyền thống, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội mới cho những doanh nghiệp khác.

Trong bối cảnh đó, triển lãm ProPak Vietnam 2023 quay trở lại với mục đích giúp khách tham quan có cơ hội khám phá các máy móc vận hành cỡ lớn ngay tại triển lãm, trải nghiệm các vật liệu bao bì mới, tiếp cận công nghệ, ý tưởng sáng tạo kỹ thuật từ khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có cơ hội trao đổi cùng nhiều chuyên gia hàng đầu trong ngành, tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng.

Với diện tích trưng bày lên đến 10.000m2, triển lãm đón hơn 400 đơn vị trưng bày đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đa phần nhà trưng bày đến từ các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Ba Lan, Hà Lan, Úc, Áo, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc) và nhiều quốc gia khác.

Trong 3 ngày diễn ra, triển lãm quy tụ nhiều doanh nghiệp quốc tế nổi tiếng đến trưng bày như VMS, Greenpack, Ishida, Sidel & E80, MKT, Phú Lộc, Fuji Seal, Beijing Omori, Mahathanee, MT Food, FPT, Kyouwa, Transicom, Bericap, Countec, Saiko Pack, Heat & Control, Shanghai Onlytec, Kyunghan, Fotesco... Các sản phẩm được trưng bày tập trung vào công nghệ bao bì, chế biến, nguyên vật liệu, công nghệ đồ uống, ngành dược, chuỗi cung ứng lạnh, logistics và lưu kho.

Triển lãm không chỉ là nơi trưng bày sản phẩm, công nghệ mới mà còn là cầu nối của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng bao bì. Ảnh: BTC

Không chỉ có không gian trưng bày, ProPak Vietnam 2023 còn đầu tư xây dựng chuỗi hội thảo quốc tế, hội thảo chuyên đề và hội thảo kỹ thuật xoay quanh nhiều khía cạnh về ngành chế biến, đóng gói bao bì.

Điển hình trong đó như chương trình Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Bao bì Thông minh và Cơ hội cho Việt Nam tại Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, hội thảo “An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu”, hội thảo “Quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất theo Luật Bảo vệ môi trường: Cơ hội cho phát triển bao bì xanh - thân thiện với môi trường”...

Năm nay, ProPak Vietnam dự kiến sẽ thu hút khoảng 10.500 khách tham quan.