Cấm xe máy lưu thông vào nội thành, hạn chế ô tô cá nhân, quy hoạch lại việc xây nhà cao tầng... để giảm kẹt xe là cách nhiều nước châu Âu hoặc Singapore đã làm và TP HCM nên áp dụng, GS.TS Đặng Lương Mô (kiều bào Nhật Bản) nêu ý kiến.
TP cũng cần giải quyết nhu cầu về chỗ đỗ cho ô tô. Ví dụ xây các bãi đậu xe tự động, là những căn nhà ống diện tích 100m2, cao 20m, có thể chứa khoảng 100 ôtô 7 chỗ. “Chỉ cần một bãi đậu xe như vậy là giải quyết được tình trạng đậu xe bên lề, cản trở giao thông cho cả tuyến đường Nguyễn Huệ”, ông Mô nói.
Đưa ra một số không ảnh của TP HCM, KTS Phan Tấn Lộc, kiều bào Pháp, cho rằng dù mô hình TP đã hướng tới đa trung tâm nhưng trên thực tế, TP đang đi theo hướng mô hình trung tâm độc nhất. Hệ thống giao thông với đường xuyên tâm, đường hướng tâm, đường vành đai… đều hướng về lõi là trung tâm quận 1, quận 3 gây hiện tượng “di dân hoán đổi” trong đô thị.
Nghĩa là buổi sáng, trên các trục đường hướng tâm, mật độ người tham gia giao thông rất cao từ vùng ven hướng về trung tâm lõi (quận 1, quận 3). Chiều ngược lại có mật độ giao thông thấp hơn nhiều. Buổi chiều, hướng “di dân” theo chiều ngược lại từ trung tâm lõi ra hướng các vùng ven, trong khi đó chiều hướng về trung tâm có mật độ giao thông thấp.
Một điểm yếu nữa được ông Lộc chỉ ra là mạng lưới giao thông thiếu cả về diện tích, cơ học và được tổ chức chưa hợp lý. Theo ông Lộc, mạng lưới giao thông của nhiều TP trên thế giới được phân bổ với những tuyến đường nhánh có khoảng cách 70 -160m, có nơi trên 200m. Trong khi đó, TP HCM có nhiều tuyến đường dài 500m nhưng thiếu đường nhánh, phần lớn là các con hẻm.
KTS Lộc kiến nghị TP chuyển đổi cơ cấu tổ chức lãnh thổ theo hướng đa trung tâm bằng cách quy hoạch thêm những trung tâm khác, đồng thời mở hẻm thành đường để giải quyết áp lực giao thông.
Nói sâu hơn về vấn đề quy hoạch, TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn (Việt kiều Canada) cho rằng TP HCM phát triển nhà cao tầng một cách thiếu quy hoạch, chưa tạo thành các cụm và tuyến gắn kết tốt với giao thông công cộng.
“Gần như là, cứ thấy đất trống là chúng ta cắm nhà cao tầng vào, bất kể có nguy cơ tác động xấu đến giao thông và quá tải hạ tầng kỹ thuật ở khu vực”, ông Sơn nói và đề nghị TP định hướng lại, những dự án nhà cao tầng mới nên phát triển đi đôi với giao thông công cộng và không gian xanh, thân thiện với người đi bộ. Đồng thời, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực cần được xây dựng sớm, trước khi cấp phép xây nhà cao tầng.
Ông Sơn khẳng định tầm quan trọng của nhà cao tầng đối với quy hoạch của TP, cho rằng nếu nhà cao tầng được quy hoạch hợp lý sẽ có ý nghĩa lớn cho TP và tạo được mô hình đô thị nén, có thêm đất quy hoạch hệ sinh thái thiên nhiên với không gian xanh, mặt nước… phục vụ người dân.
“Tuy nhiên, thời gian qua nhà cao tầng TP phát triển tự phát, mang lợi ích cục bộ. Nếu thấy được vấn đề thì có thể tiết kiệm hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng”, ông Sơn cho hay.
TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn. |
Ông Sơn nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong quy hoạch nhà cao tầng đúng cách là phát triển đi đôi với giao thông công cộng và không gian xanh mặt nước, thân thiện với người đi bộ. Thứ hai, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phải được xây dựng trước khi cấp phép xây nhà cao tầng. Thứ ba, cần chú ý bảo vệ những khu vực có giá trị lịch sử, di sản trước áp lực phá bỏ di sản để cao tầng hóa. Thứ tư, cần đánh giá tác động môi trường của các dự án cao ốc được cấp phép.
“Hiện TP HCM có tình trạng giao thông công cộng đi một đường, nhà cao tầng đi một ngả khác. Ta có tuyến metro số 1 với các nhà ga Ba Son, Văn Thánh, Tân Cảng… nhưng giao thông công cộng và quy hoạch đô thị thì riêng rẽ. Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở GTVT rõ ràng không làm việc chung với nhau”, ông Sơn nhận định.
Ông Sơn cho rằng tình trạng hiện tại vẫn có thể xử lý nhưng chi phí sẽ rất cao do kinh phí đền bù giải tỏa lớn, khuyến nghị TP đừng nên lo không “chiều” nhà đầu tư thì họ sẽ chạy mất. Nhà đầu tư nào cũng làm việc vì lợi ích nên chỉ cần tạo ra một đô thị đa năng thì TP sẽ luôn có sức hút đầu tư lớn.
Ghi nhận các kiến nghị liên quan đến quy hoạch đô thị, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết, TP đã định hướng chuyển đổi đô thị đa trung tâm từ năm 2010 nhưng chưa triển khai kịp thời. “Năm nay, Sở đang làm đầu bài để điều chỉnh quy hoạch chung TP giai đoạn 2040-2060 theo mô hình tập trung đa cực để thực hiện hóa ý định đó”, ông Nhã cho hay.
Tại cuộc gặp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự ấn tượng với ý kiến của các chuyên gia và cho biết mô hình đô thị nén với mục tiêu “20 phút đi bộ có đủ thứ” sẽ được thành phố thực hiện hóa ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. “Để xây nhà cao tầng không xung đột với giao thông, TP nên xem có quy chế xây dựng, quản lý nhà cao tầng tại TP HCM”, ông Nhân giao nhiệm vụ cho Sở Quy hoạch Kiến trúc.