TP Hồ Chí Minh: Cần có chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực y tế cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Ngày 6/11, Thường trực HĐND TP HCM có buổi giám sát về tình hình triển khai củng cố “Nâng cao năng lực y tế cơ sở - Chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Người dân khám chữa bệnh tại trạm y tế phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thảo Phương)
Người dân khám chữa bệnh tại trạm y tế phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thảo Phương)

Hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc

Báo cáo với Đoàn giám sát, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, trong các năm 2021, 2022 và 10 tháng đầu năm 2023, TP HCM có 1.024 nhân viên y tế bệnh viện quận, huyện và trung tâm y tế nghỉ việc. Cụ thể, tại bệnh viện quận, huyện nhân viên y tế nghỉ việc là 688 người (năm 2021 nghỉ 240 người, năm 2022 là 306 người và 10 tháng đầu năm 2023 là 142 người), gồm 220 bác sĩ, 327 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và chức danh khác là 141 người. Còn tại Trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức nghỉ 366 người (năm 2021 nghỉ 130 người, năm 2022 nghỉ 154 và 10 tháng đầu năm 2023 là 82 người). Trong đó bác sĩ nghỉ 79 người; điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y nghỉ 116 người và chức danh khác nghỉ 171 người.

“Nguyên nhân chủ yếu do nhân viên y tế áp lực công việc, sức khỏe suy giảm sau dịch COVID-19. Ngoài ra, mức thu nhập thấp, nhà xa nơi làm cũng là một phần nguyên nhân khiến các nhân viên này thôi việc. Trong số nhân viên y tế nghỉ việc, có một phần chuyển sang làm việc tại các đơn vị khác như bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân có thu nhập cao hơn hoặc để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề”, ông Châu chia sẻ.

Làn sóng nghỉ việc của nhân viên y tế, đặc biệt là y tế cơ sở thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động y tế dự phòng. Nhân lực của hệ thống y tế cộng đồng, kể cả mạng lưới cộng tác viên hiện tại mỏng và yếu về số lượng và chất lượng.

Trước thực trạng trên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng thời gian tới cần nghiên cứu chính sách tăng thu nhập cho nhân viên y tế phù hợp với đặc điểm của TP HCM. Ngoài ra, cần có chính sách về đào tạo nhân viên y tế cơ sở nhằm bảo đảm cơ hội phát triển nghề nghiệp giữa các đơn vị tuyến cơ sở và tuyến trên. “Cần đào tạo liên tục và đào tạo theo nhu cầu công việc cho nhân viên y tế tại y tế cơ sở. Chuẩn hóa trình độ đại học và sau đại học chuyên ngành y tế công cộng, y học gia đình và các chuyên ngành khác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực quản lý và nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế đang công tác tại các trung tâm y tế, trạm y tế”, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Châu còn cho rằng cần có chính sách giải quyết vấn đề nhà ở công vụ cho nhân viên y tế đi hỗ trợ luân phiên tại các vùng xa; Chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo thực hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các bệnh viện thực hành tiếp tục hỗ trợ đào tạo ở những khóa tiếp theo.

Cần có giải pháp lâu dài về thu hút nguồn nhân lực

Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu cũng đã đề nghị UBND TP HCM, Sở Y tế cần có giải pháp giải quyết ngay vấn đề thiếu hụt và thu hút nhân viên y tế cho y tế cơ sở, đồng thời triển khai các chính sách hiện hành cho hiệu quả. Theo PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cần có giải pháp lâu dài về thu hút nguồn nhân lực, nhưng việc này không chỉ mình ngành Y tế làm được mà cần có quan tâm nhiều hơn nữa của UBND TP HCM.

Bác sĩ Tuyết dẫn chứng trong 10 năm qua, bà và các đồng nghiệp miệt mài hằng tuần xuống khám sản phụ khoa cho huyện Cần Giờ, tổ chức đào tạo chuyên môn cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, cứ đào tạo xong bác sĩ lại bỏ việc, khiến cho địa phương này đến nay không còn nhân sự. Thực tế, hầu hết các bác sĩ trẻ khi ra trường mong muốn được về các bệnh viện tuyến trung ương hoặc chuyên khoa hơn là về trạm y tế. Ngoài lý do thu nhập ổn định, bác sĩ trẻ còn có cơ hội học tập nâng cao tay nghề - điều chưa được quan tâm ở y tế cơ sở. “Cùng học một lớp ở đại học y khoa nhưng sau 10 năm, bác sĩ ở bệnh viện trung ương hoặc bệnh viện hạng 1 có thể trở thành Phó Giáo sư, Tiến sĩ còn ở y tế cơ sở vẫn mãi là bác sĩ. Họ không có chính sách để được đào tạo sau đại học hay cơ hội đạt danh hiệu như Thầy thuốc Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân”, bác sĩ Tuyết nói.

Do đó, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương kiến nghị bên cạnh chính sách thu hút, trước tiên, TP HCM cần có chính sách giữ chân nguồn nhân lực bằng việc bố trí một phần ngân sách hỗ trợ sớm nhân viên y tế cơ sở. Từ đó, động viên họ bám trụ với địa phương và giúp người dân được nhiều hơn.

Thứ hai, cần phải có chính sách rõ ràng về đào tạo cho nhân viên y tế cơ sở. Ví dụ, cần quy định ít nhất một năm bác sĩ ở trạm y tế được đào tạo ngắn hạn như thế nào, bao nhiêu năm sẽ được đào tạo sau đại học. Việc này phải minh bạch, rõ ràng để bác sĩ vững tin với lựa chọn của mình.

Thứ ba, cần tạo điều kiện để bác sĩ tuyến cơ sở có cơ hội đạt các danh hiệu, thành tích. Thực tế, bác sĩ ở trạm y tế rất khó để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học so với ở bệnh viện tuyến cuối do không có kiến thức, không có người hỗ trợ, thiếu kinh phí…

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức khẳng định, việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được cả hệ thống chính trị TP HCM đặc biệt quan tâm. Ngoài nghị quyết và đề án đã được triển khai, thời gian qua thành phố còn tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho hàng chục ngàn người cao tuổi. Bên cạnh thuận lợi vẫn gặp không ít khó khăn. “Trước mắt, Sở Y tế TP tiếp tục rà soát, tổng hợp, tham mưu cho UBND TP chính sách về thu nhập; chính sách về đào tạo, nâng cao trình độ nhân viên y tế; chính sách đẩy mạnh đầu tư công, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, lãng phí”, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức chỉ đạo.

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND ngày 7/4/2022 của HĐND TP HCM nhằm hướng đến nâng chất tuyến y tế cơ sở, đầu tư đồng bộ, hiện đại cho hệ thống y tế tuyến cuối… Do đó, việc HĐND TP tổ chức các buổi giám sát ở cơ sở và nay là UBND TP HCM nhằm đánh giá lại ngành Y tế qua gần 2 năm thực hiện nghị quyết đã đạt tới đâu, có gặp khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ, bổ sung thêm cơ chế, chính sách để thực hiện thành công nghị quyết đến năm 2025. Vì vậy, đối với các kiến nghị liên quan tới Chính phủ, Bộ Y tế, ngành Y tế thành phố cần tham mưu cho UBND TP HCM để kiến nghị, kiên trì đeo bám. Cái gì trong thẩm quyền của HĐND TP, HĐND TP sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ để nghị quyết đi vào cuộc sống, đạt mục tiêu cuối cùng là chăm lo sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn.

Đọc thêm