TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Nuôi con nuôi

(PLVN) -Nhằm triển khai thực hiện có hiệu lực, hiệu quả pháp luật nuôi con nuôi, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi, Công ước LaHay và các văn bản quy định chi tiết, đảm bảo tiến độ, hiệu quả thủ tục giải quyết nuôi con nuôi.

Đến nay, thành phố đã giải quyết 2.554 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi trong nước, trong đó 2.058 trường hợp (80,6%) nhận con nuôi từ gia đình, 87 trường hợp (3,4%) nhận trẻ sống trong cơ sở nuôi dưỡng, 409 trường hợp (16 %) nhận trẻ bị bỏ rơi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Để triển khai thi hành các quy định pháp luật về nuôi con nuôi con nước, UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành ban hành các văn bản quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong đăng ký nuôi con nuôi trong nước; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về nuôi con nuôi trong nước, đảm bảo mục đích của việc nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ, con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.

Cùng với đó, UBND cấp xã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên rà soát nhu cầu cần được nhận làm con nuôi đối với trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa đang ở tại cộng đồng. Nếu người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ hoặc người trong nước có nguyện vọng nhận trẻ làm con nuôi thì ưu tiên xem xét giải quyết hoặc hướng dẫn giải quyết cho trẻ con nuôi, thực hiện đúng theo quy định tại Điều 16 Luật Nuôi con nuôi.

Nhìn chung, trong thời gian qua, việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đi vào nề nếp, thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật về con nuôi và các pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn, vướng mắc. Như: Một số hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi chưa hợp lệ, chưa đầy đủ, trình tự, thủ tục giải quyết chưa đảm bảo việc lấy ý kiến, hoặc thời gian thay đổi ý kiến của những người có liên quan về việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi; vẫn còn tình trạng người dân tự ý mang trẻ về chăm sóc, nuôi dưỡng mà không đăng ký khai sinh và đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền…

Bên cạnh đó, còn một số trường hợp, việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước chưa đảm bảo mục đích nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 2 Luật Nuôi con nuôi, một số trường hợp trẻ được nhận làm con nuôi vì các mục đích khác (như để đưa trẻ đi định cư ở nước ngoài cùng với cô, dì, chú, bác...) không vì mục đích xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững. Sau khi đăng ký việc nuôi con nuôi, UBND và người nhận con nuôi chưa thực hiện nghiêm túc việc thông báo tình hình phát triển của con nuôi và theo dõi việc nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 23 của Luật Nuôi con nuôi.

Do đó, để tăng cường hiệu quả thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước LaHay, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Nuôi con nuôi và các văn bản pháp luật có liên quan rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, đa dạng hóa nội dung, hình thức và đối tượng truyền thông, giúp người dân biết và hiểu rõ hơn các quy định về nuôi con nuôi. Từ đó nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đăng ký nuôi con nuôi, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cha mẹ nuôi và con nuôi.

Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra trong tất cả các khâu từ cấp Giấy chứng sinh tại bệnh viện, cấp Giấy khai sinh, lập biên bản trẻ em bị bỏ rơi, giới thiệu cho trẻ em làm con nuôi; đảm bảo việc giải quyết nuôi con nuôi đúng quy định, tránh tình trạng mua bán, đánh tráo trẻ em; chỉ đạo các cơ sở nuôi dưỡng tích cực rà soát, đánh giá nhu cầu tìm gia đình thay thế cho trẻ em sống ở các cơ sở nuôi dưỡng. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ, công chức làm công tác giải quyết việc nuôi con nuôi.

Ngoài ra, Sở cũng sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, ngành tại địa phương trong công tác tìm gia đình thay thế cho trẻ em, đảm bảo sự kịp thời thông tin về các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi để thực hiện các thủ tục liên quan. Xây dựng phần mềm xử lý hồ sơ con nuôi, tích hợp đầy đủ các chức năng gửi nhận văn bản, lưu trữ, trao đổi thông tin giữa các Bộ, Ngành địa phương trong giải quyết hồ sơ con nuôi.

Đọc thêm