Điển hình là con kênh Nước Đen (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh). Trước đó, như cái tên của mình, dòng kênh này nổi tiếng vì ô nhiễm với dòng nước đen kịt, chứa đầy rác thải và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tháng 5 vừa qua, lực lượng chức năng phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cùng công nhân, nhóm tình nguyện, huy động cả máy cẩu vớt gần 100 tấn rác sinh hoạt, chai nhựa, túi nilon, đồ dùng sinh hoạt, lục bình dưới lòng kênh. Sau khi vớt rác, con kênh đã trở nên sạch sẽ, thông thoáng.
Tuy nhiên, mới đây, ghi nhận tại khu vực này cho thấy, sau hơn 1 tháng được dọn dẹp, kênh Nước Đen lại ngập rác và hôi thối trở lại. Rác dưới dòng kênh chủ yếu vẫn là rác thải sinh hoạt từ nhà dân như chai lọ, túi nilon, đồ nhựa...
Ông Nguyễn Văn Hậu, 54 tuổi, cư dân sống tại phường Bình Hưng Hòa cho biết: “Tôi thường chạy bộ mỗi sáng, trước kia, vì khu vực này quá ô nhiễm và hôi thối nên tôi tránh. Từ ngày địa phương “ra quân”, con kênh sạch sẽ tôi cảm thấy rất vui, thường chạy bộ qua nơi này. Tuy nhiên, hiện nay rác đã quay trở lại dòng kênh. Những lần chạy bộ, tôi từng chứng kiến cảnh người dân “vô tư” vứt thẳng rác thải từ nhà xuống kênh. Có lẽ đó chính là nguyên nhân dòng kênh ô nhiễm và chẳng mấy chốc sẽ trở lại như cũ”.
Tuyến kênh 19/5 trên địa bàn phường Tân Tạo A, quận Bình Tân cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ngày 26/5, UBND phường “ra quân” thu dọn gần 10 tấn rác từ tuyến kênh này. Tuy nhiên, sau chưa đầy 1 tháng, con kênh đã có dấu hiệu tái ô nhiễm bởi rác thải sinh hoạt từ nhà dân và khu chợ tự phát ngay cạnh con kênh.
Trong những năm qua, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều dự án làm sạch kênh, từ việc nạo vét bùn, thu gom rác thải, đến xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Những con kênh như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm từng được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cải thiện chất lượng nước và cảnh quan.
Những dự án này đã mang lại hiệu quả tích cực trong giai đoạn đầu, khi nước kênh trở nên sạch hơn và cảnh quan hai bên bờ được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, những nỗ lực trên chỉ mang lại hiệu quả tạm thời. Sau một thời gian, nhiều con kênh lại rơi vào tình trạng ô nhiễm như trước. Như con kênh Nước Đen đã nói ở trên đã từng được xử lý ô nhiễm với dự án cải tạo lên đến 629 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là ý thức kém của một bộ phận người dân. Việc xả rác bừa bãi, đổ nước thải sinh hoạt không qua xử lý trực tiếp vào kênh, là việc xây dựng các công trình lấn chiếm lòng kênh, tất cả đều góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm. Để giải quyết vấn đề tái ô nhiễm, theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh cần có những biện pháp mạnh mẽ và lâu dài hơn nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Đó là việc tăng cường giáo dục và tuyên truyền, thay đổi nhận thức với các chương trình căn cơ từ trường học đến cộng đồng dân cư. Đồng thời cần có những giải pháp nâng cao tinh thần tự quản như khuyến khích các cộng đồng dân cư tự quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường kênh rạch tại địa phương cũng như các hoạt động làm sạch kênh rạch định kì. Cạnh đó, việc xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm về xả rác và nước thải không đúng quy định cần được thực thi một cách nghiêm túc, mang tính răn đe mạnh hơn.
Một sáng kiến của CLB Sài Gòn Xanh thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh cũng rất đáng ghi nhận. CLB đã có sáng kiến lắp các phao chắn rác để thu gom rác thuận lợi, không cho rác tràn ra kênh, đồng thời tuyên truyền không xả rác ra kênh rạch. Hiện, một số phường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã có đề xuất về việc “tự quản” kênh ở địa phương, xây dựng cộng đồng dân cư tự quản, lắp đặt các camera, đưa ra chế tài xử phạt đối với hành vi vứt rác xuống kênh rạch.