TP Hồ Chí Minh, ngỡ ngàng những điểm đến đã quen

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những địa điểm ngỡ như quen thuộc trong lòng thành phố thực ra vẫn luôn có một sức hút rất lớn đối với chính người dân và du khách phương xa.
Tòa nhà UBND TP HCM là một địa danh quen thuộc nhưng luôn thu hút sự quan tâm, mong muốn khám phá của du khách. (Ảnh:Tư liệu)
Tòa nhà UBND TP HCM là một địa danh quen thuộc nhưng luôn thu hút sự quan tâm, mong muốn khám phá của du khách. (Ảnh:Tư liệu)

Sức hút từ những điều thân thuộc

Tháng 4 vừa qua, điểm đến quen thuộc bậc nhất đối với người dân TP HCM - chợ Bến Thành bỗng một lần nữa “hot rần rần” trên mạng xã hội, trở thành điểm check in “mới nổi” của các bạn trẻ thành phố. Nguyên nhân là sau khi TP HCM hoàn thành chỉnh trang, sơn sửa, chợ Bến Thành mang một diện mạo khang trang, tươi mới hơn, khiến nhiều người dân và du khách thích thú đến mua sắm, ăn uống và check-in.

Thực tế, chợ Bến Thành vẫn luôn là một điểm đến có sức hút lớn đối với người dân TP và du khách phương xa. Được xây dựng từ năm 1914 trên nền một khu chợ được dựng bên bờ sông Bến Nghé vào thế kỷ 17, giờ đây, chợ Bến Thành đã là một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Sài Gòn, gắn liền với bao thế hệ thị dân Sài Gòn, chứng kiến sự chuyển mình của một Sài Gòn hoa lệ xa xưa cho đến năng động rực rỡ hôm nay.

Với diện tích hơn 13.000m2, chợ Bến Thành là nơi buôn bán và trao đổi hàng hóa của người dân Sài thành cũng như các vùng phụ cận, với gần 6.000 tiểu thương và khoảng 1.500 sạp hàng, được đông đảo người dân tại chỗ, du khách, khách quốc tế đến mua sắm mỗi ngày. Trên bảng xếp hạng của một trang web về du lịch, chợ Bến Thành luôn là “top đầu” trong số những điểm đến thu hút khách tham quan của TP HCM và chỉ số thu hút càng tăng hơn nữa sau khi trải qua đợt chỉnh trang.

Một điểm đến quá quen thuộc nhưng bỗng dưng làm ngỡ ngàng du khách trong thời gian qua chính là tòa nhà UBND TP. Là tòa nhà hành chính nổi tiếng, nằm ngay con đường trung tâm TP với phố đi bộ sầm uất, hình ảnh tòa nhà UBND TP đã đi vào tâm khảm của người dân TP lẫn du khách cả nước. Tuy nhiên, bên trong tòa nhà vẫn luôn là một bí ẩn chưa được khám phá đối với đa phần người dân. Thế nên, ngay khi TP có kế hoạch đón du khách tham quan công trình kiến trúc này, số lượng người đăng kí rất đông. Trong 2 ngày mở cửa cho khách du lịch tham quan dịp lễ 30/4 vừa qua, trụ sở HĐND - UBND TP HCM đón hơn 1.500 khách trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp lữ hành còn chia sẻ, con số dừng lại như trên là bởi chương trình tham quan giới hạn số lượng, nếu không con số có thể tăng gấp 2 - 3 lần. Sau khi chương trình kết thúc, số lượng khách đăng kí tham quan, xin giữ chỗ còn rất đông.

Với mỗi đợt tham quan kéo dài 60 phút, du khách được mục sở thị công trình tòa nhà từ bên trong, lắng nghe những câu chuyện lịch sử và kiến trúc của tòa nhà... Các du khách sau khi tham gia chương trình tham quan bên trong trụ sở UBND TP đã bày tỏ sự thích thú, kinh ngạc trước những kiến trúc cổ điển, độc đáo bên trong tòa nhà.

Tòa nhà trụ sở UBND TP HCM tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 18.000m2 với ba mặt tiền trên đường Lê Thánh Tôn, Pasteur và Đồng Khởi. Công trình được xây dựng từ năm 1898 đến 1909. Ban đầu, đây là trụ sở của Hội đồng thành phố Sài Gòn, với tên gọi Hôtel de ville (Tòa Thị chính). Công trình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia 2020. Từ mặt ngoài cho đến bên trong, tòa nhà chứa đựng rất nhiều giá trị kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao. Công trình được thiết kế theo dạng lầu chuông đúc cao - kiểu kiến trúc phổ biến ở miền Bắc nước Pháp. Thiết kế mặt đứng công trình có sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu kiến trúc Phục hưng, trang trí phù điêu kiểu Baroque và Rococo, các cửa sắt kiểu Art Nouveau. Phía bên trong tòa nhà nội thất cũng được trang trí theo phong cách châu Âu. Du khách có thể chiêm ngưỡng bức tranh khổng lồ cầu kì và tinh tế sắp xếp vòng hoa, lá hoa lan tây cách điệu, lá laurier theo phong cách Louis XV, kết cấu hình học, kính màu, các sảnh tiếp khách sang trọng cổ điển và không gian xanh mát bên trong khuôn viên tòa nhà...

Sau đợt tham quan dịp 30/4, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết, phía Sở Du lịch đang họp đánh giá lại toàn bộ tour. Qua đó, xem xét, đề xuất tiếp tục mở tour theo hình thức khác nhau để du khách được tham quan. Ông Hòa cũng nhấn mạnh, hiện, các tour tham quan công trình kiến trúc cổ của thành phố không thiếu nhưng doanh nghiệp du lịch chỉ đang khai thác đi bộ, tham quan công trình kiến trúc dọc trên các tuyến đường, ngắm nhìn bên ngoài nhưng chưa được vào bên trong công trình. Tham quan Trụ sở HĐND và UBND là tour đầu tiên cho phép du khách vào trụ sở chính quyền đang hoạt động.

Ngoài trụ sở HĐND - UBND TP HCM, thành phố còn nhiều tòa nhà có kiến trúc độc đáo có thể làm điểm tham quan. Chẳng hạn, tòa nhà hỏa xa trên đường Hàm Nghi, quận 1 hơn 100 năm tuổi với lối kiến trúc Pháp độc đáo hiện đang là trụ sở làm việc của Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, biệt thự cổ ở số 60 Võ Văn Tần, quận 3 hay trụ sở UBND quận Bình Thạnh...

Sắp tới, du lịch TP HCM sẽ có kế hoạch nghiên cứu nhằm khai thác hiệu quả, hợp lý các tour tham quan công trình kiến trúc cổ của TP trước giờ chưa được khai phá.

Còn nhiều “kho báu” chưa khai phá

Tại Ngày hội Du lịch TP HCM năm 2023 diễn ra mới đây với hơn 190.000 lượt khách tham quan, sau quá trình khảo sát nhiều điểm đến như du lịch cộng đồng Thiềng Liềng tại huyện Cần Giờ, di tích Lăng Ông Bà Chiểu, Công viên Văn hóa lịch sử các dân tộc, Khu Du lịch làng nghề Một thoáng Việt Nam..., các doanh nghiệp du lịch đều đánh giá rằng hiếm ó địa phương nào trên cả nước có số lượng sản phẩm du lịch lên tới hàng chục sản phẩm như TP HCM.

Múa lân sư rồng là một trong những nét văn hóa của người Hoa Chợ Lớn. (Ảnh: tư liệu)

Múa lân sư rồng là một trong những nét văn hóa của người Hoa Chợ Lớn. (Ảnh: tư liệu)

Ngoài các công trình, điểm đến mang dấu tích cổ trong lòng thành phố, còn có những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng thú vị có thể khai thác để “chạm” được đến trái tim du khách. Có thể kể đến một số sản phẩm tiềm năng mà TP HCM đã bắt đầu khai thác như sô diễn hát bội tại Lăng Ông Lê Văn Duyệt, các sô diễn múa lân ở Chợ Lớn... Cạnh đó, còn có những tour du lịch trải nghiệm thực tế đời sống cư dân lâu đời của TP như tour tham quan phố người Hoa, bao gồm quận 5, quận 11, là nơi có nhiều địa điểm tín ngưỡng tâm linh nổi tiếng, có hệ thống ẩm thực đường phố lâu đời, phát triển mạnh mẽ...

Nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch đã nhận định, TP HCM, một đô thị phát triển mạnh mẽ hàng đầu cả nước, với nhịp sống sôi động, hiện đại, thực chất lại chứa đựng bên trong cả một “kho báu” về đời sống, văn hóa, về di sản có thể khai thác thành những chất liệu du lịch tuyệt vời. Tuy nhiên, những năm qua, ngành du lịch TP HCM vẫn còn chưa khai thác được triệt để. Nhiều công trình kiến trúc tuyệt đẹp, cổ điển, mang nhiều giá trị văn hóa - lịch sử lại bị lãng quên, xuống cấp. Nhiều nét đẹp văn hóa cũng chưa được để mắt đến và khai thác du lịch.

Cạnh đó, cách thức khai thác tour từ trước đến nay vẫn còn mang nặng tính truyền thống, chưa bứt phá. Số lượng tour du lịch trong TP HCM nhiều nhưng mới dừng lại ở việc đi tham quan, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm cho du khách. Theo các chuyên gia trong ngành, để khai thác du lịch hiệu quả các điểm đến này, cần lồng ghép thêm các hoạt động khác hoặc thêm các địa danh khác vào chương trình tour. Đặc biệt, tại nhiều điểm đến quen thuộc, cần tăng thêm các hoạt động sâu, tăng thêm trải nghiệm thực tế cho du khách, ví dụ như đối với tour tham quan UBND TP, có thể để du khách có sự giao lưu, trò chuyện cùng đại diện lãnh đạo UBND TP để có được trải nghiệm rõ nét hơn về bức tranh phát triển của TP. Hoặc với các điểm đến như phố người Hoa, có thể thiết kế những show diễn tái hiện đời sống văn hóa của cư dân nơi đây và cho du khách trải nghiệm trực tiếp. Những điểm đến liên quan đến nghệ thuật như Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM nên có thêm những chương trình nghệ thuật hấp dẫn thay vì chỉ “tham quan suông” như trước...

Trong 4 tháng đầu năm 2023, TP HCM đã thu hút 1,38 triệu khách quốc tế (tăng 1.106,7% so với cùng kỳ năm 2022) và hơn 10,5 triệu khách du lịch nội địa (tăng 54,7% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng doanh thu đạt hơn 51.100 tỷ đồng (tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2022). Tiềm năng của TP HCM vẫn còn rất lớn. Không tìm đâu xa vời, chỉ cần làm sao để phát huy hết tiềm năng của những “kho báu” thân thuộc trong lòng thành phố, cũng đã có thể giúp du lịch TP có thêm chiều sâu, chạm được vào trái tim du khách.