TP Hồ Chí Minh sẽ chuyển mình, phát triển mạnh mẽ

(PLVN) - Theo ý kiến đề xuất, TP HCM mới sau khi sáp nhập từ TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và một phần của tỉnh Đồng Nai sẽ có diện tích 6.772,65km2, dân số khoảng 13,706 triệu người; có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.
Một góc TP HCM. (Ảnh: Trường Giang)

Với quy mô của một siêu đô thị, mở ra không gian kinh tế - xã hội rộng lớn với sự hội tụ của đầy đủ các lợi thế, tiềm năng để đưa TP HCM chuyển mình, phát triển mạnh mẽ và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của cả nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, TP HCM cần chủ động trong xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở khai thác mọi tiềm năng, lợi thế trên các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, du lịch… cũng như có điều kiện để hóa giải các vấn đề, những trở ngại đã và đang kìm nén sự phát triển TP.

Trong thời gian tới, TP HCM cần nhanh chóng kiện toàn và nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị của hệ thống chính trị, trọng tâm là Đảng bộ, chính quyền TP để thích ứng với mô hình tổ chức mới, với quy mô, phạm vi lãnh đạo, quản lý rộng lớn hơn. Tập trung xây dựng bộ máy mới của hệ thống chính trị TP thực sự tinh, gọn, gồm các cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ mới. Trong đó, Đảng bộ TP tập hợp được những nhân sự tinh hoa nhất, có năng lực và các phẩm chất thực sự ưu tú, phù hợp với yêu cầu lãnh đạo, quản lý đa diện.

Cùng với đó, TP HCM cần đề xuất Trung ương hoàn thiện hệ thống các chủ trương, nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Đảng; Hiến pháp và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước; Điều lệ và các quy định của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên để bảo đảm tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị TP đi vào hoạt động ngay sau sáp nhập. Trong đó, quy định rõ và đáp ứng tính thực tiễn của mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

Hiến pháp và hệ thống các văn bản pháp luật cần quy định cụ thể, nhất quán phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, bảo đảm “quyền cốt lõi” của từng cấp chính quyền địa phương đúng theo lý thuyết phân quyền. Thực hiện đúng nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện… gắn với việc xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu.

Thành lập các cơ quan theo phương thức tản quyền để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, đặc biệt trong những tình huống đột xuất, lĩnh vực mới, chuyên biệt, để đáp ứng tính linh hoạt, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong điều kiện địa bàn quản lý rộng lớn. Xây dựng hệ thống cơ chế thực thi công vụ đáp ứng các yêu cầu: Thông suốt, kịp thời; dễ dàng kiểm soát hệ thống; dễ dàng phát hiện và điều chỉnh sai lệch (nếu có).

TP HCM cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, các giải pháp thông minh để đổi mới mạnh mẽ hoạt động. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính và bãi bỏ, đề xuất bãi bỏ các thủ tục, thao tác hành chính thừa, mang tính hình thức, để hướng tới nâng cao chất lượng, giá trị thực của từng hoạt động công vụ.

Ngoài ra, phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng DN và các bên liên quan trong hiến kế, tư vấn, đề xuất các giải pháp để không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Quan tâm kiến tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng DN, các bên liên quan trong định hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thông qua các hoạt động tham vấn chính sách đa dạng, phù hợp với thực tiễn. Đặt người dân thực sự là trung tâm của tiến trình phát triển và doanh nghiệp là đối tác trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Đọc thêm