Theo báo cáo có nhan đề “Một khu vực nhiều nguy cơ: các khía cạnh về con người của BĐKH ở châu Á và Thái Bình Dương”, dự kiến châu Á và Thái Bình Dương sẽ hứng chịu các đợt cuồng phong và bão nhiệt đới với cường độ mạnh hơn khi nhiệt độ trung bình toàn cầu gia tăng.
Lượng mưa hàng năm tại hầu hết các vùng đất liền trong khu vực được dự kiến tăng lên hơn 50%. Song, ở một số nước như Afghanistan và Pakistan, lượng mưa có thể giảm khoảng 20-50%.
Trong khi đó, các vùng đất trũng và ven biển trong khu vực sẽ đối mặt với nguy cơ lũ lụt nhiều hơn. 19 trong số 25 thành phố có nguy cơ biến mất khi nước biển dâng cao 1m nằm trong khu vực. Tổn thất do lũ lụt trên toàn cầu dự kiến tăng từ mức 6 tỷ USD trong năm 2005 lên tới 52 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050.
13/20 thành phố có mức gia tăng thiệt hại do lũ lụt hằng năm cao nhất trong giai đoạn 2005-2050 là ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, bao gồm Quảng Châu, Thâm Quyến, Thiên Tân, Trạm Giang, và Hạ Môn (Trung Quốc); Mumbai, Chennai-Madras, Surat, và Kolkata (Ấn Độ); thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam); Jakarta (Indonesia); Bangkok (Thái Lan); và Nagoya (Nhật Bản).
Biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến sản xuất lúa ở một số nước Đông Nam Á có thể giảm tới 50% vào năm 2100 nếu không có những nỗ lực để thích nghi biến đổi khí hậu. Tình trạng thiếu lương thực có thể làm tăng số trẻ suy dinh dưỡng tại Đông Á lên thêm 7 triệu trẻ.
Biến đổi khí hậu cũng mang đến nguy cơ to lớn đối với sức khỏe con người tại châu Á và Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực hiện đã có 3,3 triệu người chết mỗi năm do những tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí ngoài trời.
Số trường hợp tử vong liên quan tới nhiệt độ cao trong khu vực trong nhóm người cao tuổi được dự kiến sẽ tăng lên tới 52.000 ca trong năm 2050 do biến đổi khí hậu. Số người tử vong do các bệnh gây ra bởi trung gian truyền bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết cũng có thể gia tăng.
Biến đổi khí hậu theo kịch bản phát triển thông thường cũng có thể gây gián đoạn các dịch vụ hệ sinh thái chức năng, dẫn tới tình trạng di cư ồ ạt – chủ yếu tới các đô thị - khiến cho các thành phố trở nên đông đúc hơn và các dịch vụ xã hội sẵn có trở nên quá tải.
Biến đổi khí hậu còn có thể làm tăng nguy cơ mất an ninh năng lượng thông qua việc tiếp tục dựa vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch không bền vững, giảm công suất của các nhà máy điện địa nhiệt do khan hiếm nước làm mát, và hoạt động không liên tục của các nhà máy thủy điện do lưu lượng nước không ổn định, bên cạnh nhiều yếu tố khác. Tình trạng mất an ninh năng lượng có thể dẫn tới xung đột khi các quốc gia cạnh tranh để giành lấy nguồn cung năng lượng có hạn.