Truy 'thủ phạm' khiến Hà Nội ngập úng kinh niên

(PLO) - Theo nhiều chuyên gia, vấn đề ngập úng ở Hà Nội bắt nguồn từ một “lỗ hổng” trong quy hoạch, đó là quy hoạch cốt nền đô thị, là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng úng ngập. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ở Hà Nội nói riêng và nhiều đô thị khác, hiện chưa chú ý đến quy hoạch cốt nền trong khi phần quy hoạch này liên quan mật thiết đến hệ thống thoát nước đô thị. Hà Nội hiện nay vẫn tiêu nước bằng thế năng tự nhiên, tức là dựa vào sự chênh lệch mực nước giữa các khu vực. Đây là phương án thoát nước tiết kiệm chi phí, nhưng địa hình Hà Nội lại không thuận lợi cho phương án này vì tương đối bằng phẳng, không tạo thành một thế năng lớn nên lưu tốc ở trong mạng lưới thoát nước thấp; khi xảy ra mưa lớn trên diện rộng thì chuyện ngập úng là đương nhiên.

Mạng lưới tiêu thoát nước đang quá tải, đó là nhận định của ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Theo đó, hiện năng lực tiêu thoát của mạng lưới chỉ đáp ứng lượng mưa từ 50mm/2 giờ trở xuống. Thời gian qua, do thời tiết cực đoan, Hà Nội phải hứng chịu nhiều trận mưa với cường độ cao trên 50mm; thậm chí có trận mưa chỉ tập trung trong 40 phút mà đã đạt lượng nước trên 100mm, gây quá tải cho hệ thống thoát nước.

Còn theo TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - thì cốt nền đô thị mới đang trong cảnh mỗi nơi một kiểu bởi đang có tình trạng cấp cốt nền cho từng khu đô thị. Thế nên mới có chuyện khu đô thị xây dựng trước áp dụng một cốt nền, nhưng khu đô thị xây sau lại áp dụng cốt nền khác cao hơn, dẫn đến nước dồn vào khu cũ gây ra úng ngập. 

Để giải quyết vấn đề ngập úng ở đô thị nói chung và ở Hà Nội nói riêng, theo KTS Võ Trọng Nghĩa cần xanh hóa đô thị để giảm ngập lụt. Tại nhiều nước trên thế giới, chỉ tiêu diện tích cây xanh bình quân đầu người rất cao, ví dụ như các thành phố của Nhật đạt 7,5m2/người; tại Hà Nội chỉ tiêu này không quá 2m2/người, thuộc hàng thấp của thế giới. Việc tăng lượng cây xanh, các công trình kiến trúc xanh rộng khắp đã thực hiện có hiệu quả tại nhiều nước như Canada, Mỹ, Singapore… để chống ngập lụt; thay vì xây dựng các rào cản kỹ thuật để chống chọi với nước thì họ có giải pháp khuyến khích nhiều không gian xanh cho nước thoát, thấm theo cách có thể kiểm soát được. 

Còn theo KTS Trần Huy Ánh,  một bản quy hoạch tổng thể mới để giảm áp lực hạ tầng là cần thiết vì Hà Nội đang đứng trước bao nhiêu thách thức mới, không chỉ mưa ngập mà đi cùng với nó sẽ là khô hạn, thiếu đường sá, cây xanh, không gian mặt nước… thiếu những yếu tố cơ bản để cân bằng sinh thái, ứng phó với phát triển trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu khắc nghiệt xuất hiện sớm hơn dự báo.

Bên cạnh đó, đô thị nén đang là xu hướng tất yếu dẫn đến áp lực hạ tầng (trong đó có thoát nước). Như vậy, Hà Nội cần một tầm nhìn mới chính xác hơn, thực tế hơn, đúng nghĩa là tổng thể hơn trước những thách thức mới, chứ không thể chắp vá, tình thế vào bản quy hoạch tổng thể cũ. 

Đọc thêm