Đây là ý kiến của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên tại cuộc họp về công tác phòng, chống COVID-19 trên địa bàn TP HCM, do Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong chủ trì, ngày 28/6.
Mở chiến dịch xét nghiệm toàn TP để tìm F0
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng đánh giá, sau hơn 1 tuần thực hiện Chỉ thị 10, các ca nhiễm và nghi nhiễm vẫn tăng. Vì vậy, ông chỉ đạo cần phân tích khoa học, đánh giá lại các biện pháp đang thực hiện một cách toàn diện. TP phải chống dịch với quyết tâm cao nhất để khống chế dịch và thực hiện mục tiêu kép đã đề ra.
Để đạt được điều đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ đạo: TP HCM cần đẩy nhanh tối đa tốc độ xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm. Đồng thời cần xem xét lại việc tổ chức thực hiện công tác xét nghiệm, trả kết quả xét nghiệm để nâng cao hiệu quả và tốc độ truy vết.
Ông Nên nhấn mạnh việc sử dụng bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên được coi là giải pháp quan trọng góp phần hỗ trợ công tác truy vết, phát hiện trường hợp ca dương tính sớm. Ngay khi TP nhận được bộ xét nghiệm nhanh được Chính phủ hỗ trợ, ông yêu cầu lập tức triển khai thí điểm tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông người và các quận, huyện. Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu rà soát lại các khu cách ly tập trung, kiểm tra chặt chẽ trên tinh thần cảnh giác cao nhất.
“TP phải mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn TP”, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu. Theo người đứng đầu Thành ủy, TP cần áp dụng vận hành chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ; TP là cấp chỉ huy chiến dịch, quận-huyện là chỉ huy trực tiếp và toàn diện.
Đặc biệt, TP phải quán triệt quan điểm không để mọi hoạt động bị ách tắc, đặc biệt việc cung ứng lương thực, thực phẩm phải đảm bảo không để người dân bị thiếu…
Chia 3 khu vực nguy cơ để quản lý
Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong đã đưa ra hàng loạt chỉ đạo mới về công tác phòng chống dịch. Trong đó, TP chia 3 khu vực nguy cơ để quản lý. Cụ thể, nhóm quận, huyện có nguy cơ rất cao gồm Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ). Nơi có nguy cơ cao là Gò Vấp, Củ Chi, quận 1, Bình Thạnh, Tân Bình, quận 5, quận 4, quận 12 và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và quận 9 cũ). Các quận có nguy cơ gồm Cần Giờ, quận 10, quận 11, quận 7 và quận Phú Nhuận.
Ông Phong yêu cầu nâng cao vai trò của ban chỉ đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức theo phương châm 5 tại chỗ: Nhiệm vụ tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Chủ tịch UBND quận, huyện, TP toàn quyền quyết định một số vấn đề, trong đó có việc ra lệnh phong tỏa các khu vực trên địa bàn. Sở Y tế hình thành các đội công tác đặc biệt khẩn cấp đến 21 quận, huyện, TP Thủ Đức và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của trưởng ban chỉ đạo khu vực đó. Riêng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung, TP HCM giao cho Ban Quản lý chịu trách nhiệm cao nhất.
Tại các khu cách ly và khu phong tỏa, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu tổ chức lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày. Cùng với đó, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn sự tiếp xúc giữa các gia đình; trang bị Wi-Fi, chăm lo đời sống tinh thần cho người trong các khu cách ly. Sở Thông tin và Truyền thông được giao tăng cường camera giám sát tại các khu cách ly, kiểm tra theo 3 lớp (bên ngoài, bên trong khu cách ly, giám sát mỗi gia đình)…