Chợ tạm nằm cạnh cây xăng
Trong nhiều kỳ họp HĐND trước đây, vấn đề chợ tạm phường Đoàn Kết đã là “điểm nóng” khiến cử tri bức xúc vì chợ họp lấn vỉa hè, đường phố, gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị, vi phạm luật giao thông, an ninh trật tự…
Trao đổi với phóng viên, chị H. - nhân viên một cây xăng ngay gần khu vực chợ tạm cho biết: “Hàng ngày, người buôn bán cứ nhằm cây xăng mà để xe, bày hàng ra đường, nhắc nhở thì lại sinh ra cãi nhau. Nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao, chẳng hiểu sao UBND phường Đoàn Kết lại cho dựng cái chợ này lên?”.
Một người dân sống cạnh chợ bức xúc: “Buổi sáng đi làm muốn dắt chiếc xe máy ra khỏi nhà cũng khó vì người dân họp chợ ngay trước cổng nhà mình, lấn chiếm cả lối đi. Khu phố đã nhiều lần kiến nghị lên phường nhưng vẫn chưa thấy thay đổi gì cả”.
Quan sát của phóng viên cho thấy, các tuyến đường vòng quanh chợ như: Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Quyền, Chiêu Tấn, Chu Văn An... đều bị lấn chiếm. Các tiểu thương vô tư căng bạt, ô, dù, bàn, ghế, tủ, mẹt... ra sát đường để buôn bán, gây khó khăn cho các xe cộ qua đây, gây nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt với các em học sinh do phải đi bộ dưới lòng đường.
“Nhiều người bán hàng tiện đâu vứt rác đó khiến chúng tôi làm việc không xuể. Thành phố nên giải tán chợ tạm này, dùng làm khu vui chơi công cộng là tốt nhất” - một chị lao công bày tỏ bức xúc.
Lấy đất phục vụ sinh hoạt cộng đồng
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Quang Sắc, Giám đốc Sở Xây dựng Lai Châu giải thích: Vào năm 2007, Sở Xây dựng có Văn bản số 148/SXD-QH thỏa thuận quy hoạch khu đất xây dựng chợ tạm phường Đoàn Kết và đã được UBND tỉnh Lai Châu chấp thuận.
Theo đó, trên cơ sở đồ án quy hoạch chi tiết khu dân cư số 4 đã được UBND tỉnh phê duyệt, khu đất UBND thị xã Lai Châu đề nghị xây dựng chợ chưa phù hợp với quy hoạch được duyệt, quy mô không đủ đáp ứng xây dựng chợ, tuy nhiên để phục vụ di dời các chợ khu dân cư số 4 đang họp tự phát trên các tuyến đường, Sở Xây dựng thỏa thuận và được UBND tỉnh chấp thuận sử dụng khu đất xây dựng chợ phường Đoàn Kết theo hình thức chợ tạm, sẽ thu hồi sau khi xây dựng chợ đủ quy mô tại khu vực khác, phù hợp với quy hoạch.
Sau 2 năm được Thủ tướng Chính phủ ký Nghị quyết số 131/NQ-CP nâng cấp thị xã Lai Châu thành TP Lai Châu (27/12/2013), hiện hệ thống hạ tầng đô thị địa phương cơ bản đã được đầu tư theo quy hoạch được duyệt, trong đó hệ thống chợ đã xây dựng cơ bản xong. Chợ Trung tâm thương mại và thực phẩm tươi sống có diện tích lên tới 10.310m2 được đặt tại phường Tân Phong, cũng là địa điểm nằm ở trung tâm thành phố và đông dân cư.
Ngoài ra, các chợ khác như chợ Quyết Thắng, chợ Tân Phong 1, 2 đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đáp ứng đủ vị trí để bà con chuyển đến kinh doanh. Thế nhưng, nhiều tiểu thương vẫn “chuộng” kinh doanh ở chợ tạm Đoàn Kết dù nhếch nhác, lộn xộn.
“Mục đích cuối cùng của việc phải di dời chợ tạm Đoàn Kết là lấy mặt bằng làm khu vui chơi, giải trí công cộng cho người dân, đúng như quy hoạch TP Lai Châu từ đầu chứ không có chuyện lấy đất chia cho doanh nghiệp như đồn thổi” – ông Sắc khẳng định.
Mới đây, Tỉnh ủy Lai Châu đã có Thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào ngày 23/11/2015, nhất trí chủ trương chuyển đổi mục đích chợ tạm phường Đoàn Kết. UBND tỉnh Lai Châu cũng đã có Công văn số 1789/UBND-XD gửi UBND TP Lai Châu ngày 26/11/2015 giao UBND TP thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến và thông báo cho các tiểu thương hoạt động ở chợ tạm phường Đoàn Kết về chủ trương di dời đến các chợ trên địa bàn TP.
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Lai Châu cho biết: Những kiến nghị của người dân địa phương là đúng. Một khu chợ tạm hoạt động ngay gần cây xăng dầu là bất hợp lý, dễ cháy nổ hỏa hoạn, hơn nữa, trước đây quy hoạch chợ tạm là hai dãy kiốt và một nhà chính, xung quanh có ô trống để bà con buôn bán rau, có đường đi lối lại đề phòng khi cháy nổ xảy ra nhưng đến nay, chợ đang bị quá tải, nhiều người dân tràn ra các hành lang giao thông khu vực lân cận buôn bán làm ảnh hưởng giao thông, môi trường, cảnh quan của khu vực; không đảm bảo về an ninh, hệ thống cơ sở hạ tầng bị xuống cấp, dễ xảy ra cháy nổ, môi trường bị ô nhiễm.
Do đó, việc di dời chợ tạm Đoàn Kết là cần thiết và phù hợp. Hiện nay, UBND TP Lai Châu đang tiến hành rà soát, phân loại, xây dựng phương án bố trí sắp xếp cho từng hộ kinh doanh khi thực hiện di dời, với chính sách ưu đãi nhằm đảm bảo để các hộ kinh doanh được sớm ổn định cuộc sống, kinh doanh thuận lợi.