"TP mới Hòa Lạc" nằm trong kế hoạch phát triển của Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nêu một số định hướng chính trong việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết "TP mới Hòa Lạc" nằm trong kế hoạch phát triển của Hà Nội với mô hình "TP trong TP"
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội thảo
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội thảo

Ngày 11/10, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị TP Hà Nội”.

Tại hội thảo, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy đã báo cáo định hướng Nhiệm vụ quy hoạch Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gắn với định hướng phát triển đô thị TP Hà Nội,

Theo ông Huy, định hướng triển khai trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội thành TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Từng bước nâng cao chất lượng, môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai.

Cũng trong báo cáo của Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Thủ đô Hà Nội có một số định hướng chính trong việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung, đặc biệt là mô hình cấu trúc đô thị để điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng khả năng phát triển mô hình “TP trong TP”.

Tại khu vực phía Bắc sẽ phát triển các thành phố từ các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Phía Tây là TP mới Hòa Lạc. Một số “thị xã mới trong TP” cũng sẽ được lưu ý phát triển.

Theo ông Huy, dự kiến, đến năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành Đề án xây dựng thành quận đối với 5 huyện gồm Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng, dự báo tỷ lệ đô thị hóa sẽ khoảng 60- 65%, phù hợp với định hướng Quy hoạch chung (đến năm 2030 đạt 68%).

Cũng theo kế hoạch phát triển của Hà Nội, sẽ có cấu trúc không gian theo trục sông Hồng là trục xanh - trung tâm phát triển, phát triển cân đối không gian hai bên trục sông Hồng và phát triển phía bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng để trở thành động lực phát triển.

Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu quy hoạch xây dựng - phát triển hạ tầng kinh tế xã hội tại khu vực huyện dự kiến thành quận giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo, gắn với phát triển đô thị xanh, bền vững hai bên trục đường Vành đai 4, tạo không gian chuyển tiếp giữa khu vực đô thị và nông thôn. Nghiên cứu hoàn chỉnh đồng bộ mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đô thị...

3 giải pháp trọng tâm trong định hướng triển khai trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô.

Để đạt được mục tiêu kiến trúc, Hà Nội sẽ phải huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của Thủ đ; Điều tiết lại cấu trúc chùm đô thị và cân đối nguồn lực đầu tư để xác định lại lộ trình và lựa chọn Đô thị vệ tinh để ưu tiên nguồn lực phát triển ; Phát triển đô thị gắn với định hướng phát triển giao thông (TOD) nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, hiệu quả đầu tư, hiệu quả hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn và quản lý việc phát triển dọc các tuyến giao thông chính.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, đây là hội thảo cấp TP mang tính chất khung, khởi động, sau này sẽ có thêm nhiều hội thảo, tọa đàm chuyên sâu với mong muốn nhận được tư vấn, góp ý cho việc triển khai Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong thời gian tới. /.

Đọc thêm