TPHCM: Đầu tư tại các KCX-KCN đạt hơn 424 triệu USD

(PLO) -Tin từ Ban Quản lý Các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TPHCM (Hepza), quý 1/2015 tổng vốn đầu tư thu hút (gồm cấp mới và điều chỉnh) đạt 424,90 triệu USD, đạt 60,70% kế hoạch (700 triệu USD), tăng 50,21% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó đầu tư nước ngoài đạt 379,14 triệu USD, đầu tư trong nước đạt 972,36 tỷ đồng.
TPHCM: Đầu tư tại các KCX-KCN đạt hơn 424 triệu USD

Về đầu tư nước ngoài, trong quý 1 Hepza đã cấp mới 10 dự án với vốn đầu tư đăng ký 314,17 triệu USD và 14 dự án tăng vốn với vốn điều chỉnh tăng 64,97 triệu USD. Về đầu tư trong nước, cấp mới 19 dự án với vốn đăng ký 891,23 tỷ đồng, tăng 108,47%, 5 dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn điều chỉnh tăng 81,14 tỷ đồng. Các dự án cấp mới thuộc các lĩnh vực cơ khí, nhựa, thực phẩm, dịch vụ, hóa chất, dệt may, điện tử.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của các KCX-KCN trong quý 1 ước đạt 1.100 triệu USD, trong đó các KCX ước đạt 900 triệu USD và các KCN đạt 200 triệu USD, tăng gần 8,61%. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 979 triệu USD, tăng gần 3,58%.

Nhu cầu tuyển dụng lao động trong KCX-KCN năm 2015 là 21.590 người, trong đó nhu cầu tuyển mới phục vụ mở rộng sản xuất là 7.385 người và nhu cầu tuyển để thay thế lao động nghỉ việc là 14.205 người. Các DN có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động chủ yếu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử và chủ yếu lao động phổ thông.

Sau Tết tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc đạt trên 95% tổng số lao động. Cũng trong quý 1 đã xảy ra tranh chấp 07 vụ lao động tập thể với 1.600 người tham gia/tổng số 1.779 lao động, giảm 68%, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến điều chỉnh tiền lương, chậm trả lương và các khoản hỗ trợ khác.

Trong quý 2, Hepza sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, xúc tiến đầu tư vào Khu kỹ nghệ Việt – Nhật tại KCN Hiệp Phước; hỗ trợ triển khai xây dựng KCN chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ tại 2 KCN Hiệp Phước - giai đoạn 2 và Lê Minh Xuân 3 để thu hút các ngành CNHT phục vụ phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử, tin học.

Thực hiện xúc tiến đầutư tại chỗ, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư trong các KCX-KCN; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ; xây dựng và vận hành ổn định phần mềm cấp phép qua mạng; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng thương mại hỗ trợ vốn cho DN…


Đọc thêm