Trả thêm tiền mới giao sổ đỏ, người chuyển nhượng lật “kèo”

(PLO) - Theo quy định của pháp luật đất đai, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có đủ điều kiện như: Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án… và hợp đồng phải lập theo mẫu, có công chứng/chứng thực. Tuy nhiên, trên thực tế các bên vẫn bất chấp điều kiện chuyển nhượng dẫn đến rủi ro, tranh chấp có thể xảy ra!
Trả thêm tiền mới giao sổ đỏ, người chuyển nhượng lật “kèo”
Đất tăng giá, người chuyển nhượng lật “kèo”
Năm 2005, trước nguy cơ bị ngân hàng phát mãi 7.200m2 đất nên vợ chồng ông Can (xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đánh tiếng bán đất để lấy tiền xoay xở. Sau khi tìm hiểu, ông Xứng quyết định mua 7.200m2 với giá 7 cây vàng 24k, rẻ hơn giá thị trường tại thời điểm vài chỉ. Thay vì phải lập hợp đồng theo mẫu, có công chứng/chứng thực, nhưng do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của ông Can đang “cắm” ở ngân hàng nên hai bên chỉ viết giấy tay mua bán với nhau, không được UBND xã xác nhận. Ông Can giao kèo với ông Xứng: “Khi nào lấy được sổ đỏ ra, tôi sẽ giao cho ông để ông còn sang tên”. 
Hai năm sau đó, nghe tin ông Can đã trả tiền ngân hàng và lấy sổ đỏ chuẩn bị làm thủ tục vay tiền của một ngân hàng khác, ông Xứng tức tốc sang đòi sổ đỏ nhưng vợ chồng ông Can chối quanh, khất lần, đánh trống lảng. Nói mãi, đưa cả bằng chứng ra vợ chồng ông Can mới thừa nhận đang có ý định vay tiếp, nhưng lại dứt khoát không chịu giao sổ đỏ cho ông Xứng. Lý lẽ mà vợ chồng ông Can đưa ra là: “Đất khi đó giá rẻ “bèo”, tôi bán cho ông giá cũng bèo hơn người khác; trên danh nghĩa mà nói đất vẫn là  của tôi nên ông phải thương lượng lại với tôi. Bằng không! Ông cứ việc đi mà kiện” – ông Xứng cho biết. 
Không riêng gì ông Xứng, đã có rất nhiều trường hợp bán đất khi đang còn thế chấp trong ngân hàng, hoặc đem cầm cố bên ngoài, hoặc đất chưa có giấy tờ… sau đó người bán không có khả năng trả nợ nên sổ đỏ bị “kẹt” luôn ở bên nhận thế chấp, hoặc giao sổ đỏ với điều kiện bên mua phải trả thêm một số tiền tương đối nữa. Và trên thực tế, vụ việc tranh chấp hợp đồng cầm cố, mua bán đất kiện nhau ra Tòa án cũng khá phổ biến.
Luật gia Bùi Đức Độ (Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang) cho rằng: Tại Khoản 2 Điều 82 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định: “2. Trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01/7/2014 mà bên nhận chuyển quyền sử dụng đất chỉ có Giấy chứng nhận của bên chuyển quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng, giấy tờ về chuyển quyền sử dụng đất theo quy định thì thực hiện theo quy định như sau: 
a) Người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và các giấy tờ về quyền sử dụng đất hiện có; 
b) Văn phòng đăng ký đất đai thông báo bằng văn bản cho bên chuyển quyền và niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất về việc làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển quyền. Trường hợp không rõ địa chỉ của người chuyển quyền để thông báo thì phải đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương ba số liên tiếp (chi phí đăng tin do người đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trả); 
c) Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo hoặc đăng tin lần đầu tiên trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương mà không có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì Văn phòng đăng ký đất đai lập hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hủy Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp không nộp Giấy chứng nhận để làm thủ tục, đồng thời cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mới cho bên nhận chuyển quyền. Trường hợp có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì Văn phòng đăng ký đất đai hướng dẫn các bên nộp đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định”.
Như vậy, ông Xứng chỉ cần nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy tờ mua bán viết tay tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện nơi có đất. Nếu sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo hoặc đăng tin mà không có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì tiến hành thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông. Trường hợp có tranh chấp, pháp luật khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc hòa giải tại tổ hòa giải (không bắt buộc); nếu hòa giải không thành, hoặc hòa giải thành mà không thực hiện thì các bên có quyền khởi kiện vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất tại Tòa án cấp huyện nơi có đất để giải quyết. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm