Trà Cú (Trà Vinh): Nhiều hỗ trợ giúp đồng bào Khmer vươn lên trong cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là địa phương có hơn 63% dân số là cộng đồng người Khmer, trong những năm gần đây, huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) liên tục chú trọng triển khai các hoạt động liên quan phát triển cộng đồng dân tộc. Nhiều chương trình và chính sách phát triển cho cộng đồng dân tộc trên địa bàn đã được thực hiện một cách hiệu quả, đóng góp quan trọng vào việc ổn định đời sống đồng bào Khmer.
Bà Diện (phải): “Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ nên gia đình không còn lo cảnh “màn trời chiếu đất”. (Ảnh: Thuận Nguyễn)
Bà Diện (phải): “Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ nên gia đình không còn lo cảnh “màn trời chiếu đất”. (Ảnh: Thuận Nguyễn)

Huyện Trà Cú nằm phía Nam tỉnh Trà Vinh, có 17 xã, thị trấn, với diện tích tự nhiên 31.752,8ha, tổng số 40.450 hộ (25.562 hộ dân tộc Khmer), dân số 147.419 người, trong đó người dân tộc Khmer 93.152 (chiếm 63,19%). Địa phương này đang trở thành điển hình cho sự đoàn kết và phát triển bền vững của cộng đồng dân tộc Khmer.

Những năm qua, huyện Trà Cú đã dành nhiều quan tâm đặc biệt với vấn đề nhà ở và đất ở cho cư dân đồng bào Khmer. Chính sách hỗ trợ được xây dựng triển khai một cách linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đa dạng phù hợp địa phương. Nhờ vậy, cuộc sống cộng đồng người Khmer trở nên ổn định hơn, có điều kiện sống tốt hơn, cơ hội phát triển được mở rộng. Mục tiêu của chính quyền địa phương không chỉ là cung cấp nhà ở ổn định, mà còn tạo ra môi trường sống bền vững và phát triển.

Như trường hợp bà Kim Thị Mỹ Diện (SN 1984, ngụ ấp Chợ, xã Tân Sơn) là đồng bào dân tộc Khmer thuộc diện nghèo. Trước đây, vợ chồng bà sống tạm trên đất người quen trong căn nhà vách lá đã mục nát, xuống cấp trầm trọng. Chồng bà là lao động chính trong nhà, nhưng không may mắc bệnh tim. Cuộc sống chật vật, lao đao từng đeo bám vợ chồng bà Diện hơn 10 năm qua. Nhưng nhờ chính quyền địa phương, giờ đây gia đình bà Diện đã có mái ấm của riêng mình.

“Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ là gia đình mình sẽ có được căn nhà khang trang như hôm nay. Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ đất và nhà ở nên gia đình không còn lo cảnh “màn trời chiếu đất””, bà Diện nói.

Gần đó là hoàn cảnh của ông Kim Ngọc Thêm (SN 1992) cũng không kém phần vất vả. Nhiều năm liền, vợ chồng ông Thêm cùng hai con sống dưới “căn nhà” chỉ vỏn vẹn là tấm bạt nilon che đủ cái giường. Nhờ sự quan tâm, nắm bắt tình hình sát sao của chính quyền các cấp mà nay ông được ở căn nhà khang trang vừa xây xong hơn 1 tháng trước.

“Ngày cán bộ ấp cho tôi hay tin sẽ được Nhà nước hỗ trợ đất và nhà, tôi mừng cả đêm không ngủ được. Trong suốt quá trình xây nhà, cán bộ xã, ấp thường xuyên xuống theo dõi, đôn đốc công trình để tôi sớm có nơi định cư ổn định. Được như hôm nay, tôi càng cố gắng làm ăn hơn nữa”, ông Thêm nói.

Ông Thêm bên căn nhà của mình vừa hoàn thành hơn 1 tháng trước. (Ảnh: Thuận Nguyễn)

Ông Thêm bên căn nhà của mình vừa hoàn thành hơn 1 tháng trước. (Ảnh: Thuận Nguyễn)

Từ năm 2021 đến nay, huyện Trà Cú đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho 358 căn, đất ở 18 hộ, chuyển đổi nghề 117 hộ, nước sinh hoạt 112 hộ. Tổng số tiền đã giải ngân là hơn 16.419 triệu đồng (trong đó, ngân sách huyện 1.902 triệu đồng), nhà ở 317 căn giải ngân số tiền 14.549 triệu đồng; đất ở 17 hộ số tiền 782 triệu đồng; chuyển đổi nghề 92 hộ, số tiền 920 triệu; nước sinh hoạt 62 hộ, số tiền 168 triệu đồng.

Năm 2023, huyện phấn đấu kéo giảm 2,14% (927 hộ nghèo), trong đó giảm 2,73% hộ nghèo dân tộc Khmer. Hiện trên địa bàn huyện chỉ còn 1.011 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,33% (702 hộ nghèo dân tộc Khmer) và hộ cận nghèo 1.216 hộ, chiếm tỷ lệ 2,80% (788 hộ cận nghèo dân tộc Khmer).

Về Trà Cú hôm nay có thể thấy rõ những đổi thay rất rõ nét vùng đất này. Trong đó có sự góp sức của những chương trình, chính sách triển khai kịp thời, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong vùng có đông đồng bào dân tộc. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm; các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc được bảo tồn phát huy; mạng lưới thông tin, văn hóa, thể thao phát triển rộng khắp; trình độ dân trí nâng lên; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường duy trì ở mức cao; công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm; vai trò người có uy tín trong đồng bào được phát huy; đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer từng bước được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác.

Trao đổi với PLVN, bà Sơn Thị Thiêng, Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết, địa phương tiếp tục triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 8/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030.

“Huyện sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn địa phương triển khai các hoạt động đầu tư của Chương trình bảo đảm kịp thời, đúng kế hoạch; tập trung đề xuất, kiến nghị Trung ương tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư của Chương trình. Tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của DN, tổ chức, cá nhân để bổ sung nguồn lực cho triển khai thực hiện Chương trình. Đặc biệt chú trọng lồng ghép sử dụng tốt nguồn lực từ Ngân hàng Chính sách xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách về kinh tế - xã hội và mức độ hưởng thụ các dịch vụ cơ bản với đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Thiêng nói.

Đọc thêm