Thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC (TTLT 10), công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, vẫn có một số cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo TTLT 10.
Cơ chế phối hợp đã có…
Trong phạm vi trách nhiệm được giao, hầu hết các Trung tâm TGPL trong toàn quốc đã cung cấp và phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đặt Bảng thông tin về TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ và các cơ quan tiến hành tố tụng trong quân đội, đồn biên phòng; cung cấp mẫu đơn, giấy tờ có liên quan đến TGPL cho người tiến hành tố tụng để kịp thời cung cấp cho người được TGPL; thông báo danh sách Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên (tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ).
Đồng thời, các Trung tâm cũng tăng cường công tác thông tin, truyền thông pháp luật về TGPL đến với nhân dân; kiểm tra diện người được TGPL, tiến hành cử người tham gia tố tụng, kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng và nghiệm thu vụ việc TGPL đã hoàn thành, thực hiện việc chi trả thù lao cho Luật sư cộng tác viên cũng như phụ cấp vụ việc cho Trợ giúp viên pháp lý.
Phần lớn các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân các cấp ở địa phương, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ đã thực hiện tốt trách nhiệm được quy định trong TTLT 10 và Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành. Một số cơ quan tiến hành tố tụng đã rất tích cực, chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ này, như ngành Toà án TP.HCM đã biên soạn biểu mẫu “Biên bản giải thích và hướng dẫn tiếp cận thông tin về quyền được TGPL” để phổ biến cho các Toà chuyên trách của Thành phố.
Báo cáo của các địa phương cho thấy, trong 3 năm triển khai TTLT 10 đã có hơn 46,5 nghìn Bảng thông tin, Hộp tin về TGPL được đặt tại các trụ sở tiếp công dân của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan để tạo điều kiện cho người được TGPL tiếp cận.
… Nhưng chưa được thực hiện đầy đủ
Tuy nhiên, theo Cục TGPL đánh giá, việc cung cấp Bảng thông tin, Hộp tin, tờ gấp pháp luật, danh sách và địa chỉ của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên và đơn yêu cầu TGPL, Tờ gấp pháp luật… chưa thật đầy đủ và kịp thời. Một số địa phương chưa cung cấp đầy đủ Bảng thông tin và Hộp tin TGPL, dẫn đến nhiều cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương chưa có Bảng thông tin, Hộp tin TGPL.
Một số địa phương in nội dung của các Bảng thông tin chưa khái quát hết được các nội dung cơ bản về người được TGPL, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, trình tự, thủ tục TGPL... Nhiều cơ quan, Bảng thông tin đặt ở những vị trí chưa thật thuận lợi cho việc tiếp cận của người dân. Phần lớn, người bị tạm giam tại Trại tạm giam, Nhà tạm giữ không đọc được Bảng thông tin do bị giam trong các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ.
Không những thế, một số cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo TTLT 10. Đã có trường hợp việc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng, bản sao bản án, quyết định tố tụng còn chậm, thậm chí không cấp bản án, quyết định tố tụng, không ghi tên người bào chữa do Trung tâm TGPL Nhà nước cử trong bản án. Một số cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện chưa tạo điều kiện để đặt Bảng thông tin và Hộp tin TGPL. Có nơi cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu người thực hiện TGPL cung cấp những giấy tờ, tài liệu pháp luật không quy định.
Việc giải thích về quyền được hưởng TGPL cho người thuộc diện được TGPL cũng như việc giới thiệu hướng dẫn họ đến với các tổ chức thực hiện TGPL còn hạn chế, có nơi chỉ giới thiệu người chưa thành niên phạm tội đến Trung tâm TGPL, người nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng liên quan đến các vụ việc dân sự, hành chính... chưa được các cơ quan tố tụng quan tâm, giới thiệu.
Thục Quyên