Trái cây Sơn La lên sàn thương mại điện tử

(PLVN) - Nhãn, xoài, mận hậu Sơn La ngày hôm qua, 28/5 đã chính thức lên các sản thương mại điện tử (TMĐT). Đây là các hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại (XTTM) do Bộ Công Thương chủ trì.
Cắt băng đưa sản phẩm Sơn La trên sàn TMĐT

Ngay sau “Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ nhãn, xoài Sơn La năm 2021” tổ chức tại trụ sở UBND tỉnh Sơn La, buổi chiều cùng ngày, tại huyên Yên Châu, sản phẩm xoài Sơn La dã chính thức được bàn giao theo thỏa thuận tiêu thụ cho các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và thương mại điện tử năm 2021”.

Trong khuôn khổ hội nghị, lễ ký kết Thoả thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Sơn La, Cục Xúc tiến thương mại, sàn TMĐT Shopee và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn TMĐT Postmart) đã được thực hiện với mục tiêu hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản và các sản phẩm tiêu biểu khác của địa phương lên sàn TMĐT.

Cũng trong ngày 28/5/2021, mận hậu và xoài tròn Yên Châu của Sơn La chính thức lên sàn TMĐT Shopee.  Sản phẩm sẽ được phân phối tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các sản phẩm lên sàn TMĐT đều được Cục XTTM hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm. 

Tỉnh Sơn La hiện là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn thứ 2 trên cả nước với gần 73.000ha. Nhiều sản phẩm trái cây của tỉnh không chỉ tiêu thụ rộng rãi tại thị thị trường trong nước và đã xuất khẩu tới nhiều thị trường lớn và uy tín trên thế giới. 

Hiện, Sơn La đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch một số loại cây ăn quả chính vụ như mận, nhãn, xoài với sản lượng hàng trăm nghìn tấn. Tuy nhiên dịch Covid-19 đã khiến việc tiêu thụ hàng hóa của tỉnh đang gặp khó khăn do việc xuất khẩu và lưu thông hàng hóa bị hạn chế.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) phát biểu tại sự kiện

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương), hiện việc đưa các sản phẩm địa phương lên sàn TMĐT còn  gặp nhiều thách thức như năng lực về TMĐT của các HTX, bà con nông dân còn nhiều hạn chế, nguồn nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin còn thiếu, đặc biệt những kỹ năng về tư vấn, chăm sóc khách hàng hay đánh giá xu hướng tiêu dùng, thị hiếu thị trường vẫn còn khá xa lạ với các HTX…

“Trong thời gian tới, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BC ngày 25/5/ 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên “về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”, Cục XTTM sẽ đẩy mạnh hợp tác với các sàn TMĐT để vừa kết hợp nâng cao năng lực chuyên môn vừa từng bước hỗ trợ tiêu thụ hiệu qủa cho các địa phương thông qua kênh này”, ông Phú cho hay.

Được biết, sàn TMĐT Shopee thống nhất phối hợp với Cục XTTM từng bước đào tạo và tư vấn cho các hộ kinh doanh, các HTX và các DN trên địa bàn tỉnh và các địa phương có sản phẩm tiềm năng về các kỹ năng mở gian hàng, quản lý, vận hành và triển khai các hoạt động xây dựng hình ảnh và quảng bá sản phẩm thành công trên sàn TMĐT này.

Đại diện công ty Shopee cho biết, trong khuôn khổ hợp tác với Cục Xúc Tiến thương mại - Bộ công thương và UBND tỉnh Sơn La, Shopee đẩy mạnh phối hợp với các đối tác trong chuỗi cung ứng triển khai các hoạt động quảng bá, tiêu thụ hai sản phẩm nông sản nổi tiếng của tỉnh Sơn La. 

“Một trong những giá trị cốt lõi của Shopee là phục vụ những người yếu thế, chính vì vậy, trong năm nay và những năm sắp tới, Shopee sẽ gia tăng triển khai các dự án kết nối cộng đồng, tạo cơ hội cho người nông dân trên khắp các tỉnh thành cả nước tiếp cận, mở rộng phương thức kinh doanh, gia tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống...”, đại diện Shopee chia sẻ.

Từ tháng 04/2021, Shopee cùng với các đối tác của mình đã triển khai dự án Shopee Farm. Đây là một dự án nhằm hỗ trợ bà con tiếp cận và tiêu thụ sản phẩm trên Sàn TMĐT Shopee, cũng như quảng bá đến người tiêu dùng những mặt hàng nông sản Việt chất lượng.

 Xoài Yên Châu nổi tiếng của Sơn La

Theo đại diện Cục XTTM, trong thời gian tới, nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số trong XTTM, Cục XTTM lên kế hoạch phối hợp với Tổng công ty bưu điện Việt Nam (Vnpost) triển khai Chương trình hỗ trợ bà con nông dân, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hoá, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức trực tuyến (livestream). 

Trong đó, Cục XTTM sẽ phối hợp với VNpost, đào tạo tập huấn bà con nông dân, chủ trang trại kỹ năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng bán hàng qua livestream, hỗ trợ áp dụng hệ thống truy suất nguồn gốc nhằm tạo điều kiện để bà con nông dân trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó, sẽ tổ chức sản xuất được hiểu quả, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

Theo ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc VNPost việc ký kết hợp tác với UBND tỉnh Sơn La, Cục XTTM - Bộ Công Thương ký chính là lời cam kết của Bưu điện Việt Nam, của Sàn TMĐT Postmart trong việc nâng cao năng lực chuyển đổi số, đưa sản phẩm nông sản và các sản phẩm tiêu biểu của các địa phương lên sàn TMĐT.

“Với kinh nghiệm và sức mạnh của một doanh nghiệp lớn, cùng với sự mạnh dạn trong ứng dụng các nền tảng số, chúng tôi cũng sẽ hoàn thiện một hệ sinh thái khép kín để đồng hành cùng người dân chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn, góp phần xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, quốc gia số”, đại diện VNPosst cam kết

Cục XTTM đã thiết lập Gian hàng “Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại” trên các sàn TMĐT như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo nhằm hỗ trợ XTTM cho sản phẩm tiềm năng của các tỉnh thành trên toàn quốc. Với các sản phẩm được đưa lên gian hàng, để đảm bảo việc quản lý chất lượng và thông tin sản phẩm được minh bạch, Cục XTTM đang từng bước hướng dẫn DN về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sản phẩm cung cấp đúng và đủ thông tin đến tay người tiêu dùng. 

Cục XTTM phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, từng bước hướng dẫn bà con nhập liệu vào nhật ký canh tác. Mã QR được gắn ở cổng vào, định kỳ chăm sóc, cắt tỉa, bón phân, phun trừ sâu đều được các HTX và các hộ canh tác nhập liệu, phục vụ cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đọc thêm