Phiên tòa mở tại Tòa án huyện xa thuộc Tây Nguyên. Nguyên đơn là một nông dân kiện UBND huyện trong việc đền bù đất. Bà con ở cách huyện hơn 70 cây số cũng kéo đến tham dự, ngoài việc tò mò xem “con kiến nó kiện củ khoai” thế nào thì họ còn tới đây với tư cách người làm chứng.
Hình minh họa. |
Nguyên đơn cho biết ông phải "trần ai" lắm thì mới có phiên tòa này. Riêng đơn giản như việc đóng án phí cũng phải đi đến 6 lần mà từ nơi ông cư trú tới huyện phải đi một quãng đường 150 cây số. Nội dung khởi kiện của ông là đòi phải đền bù số tiền chuyển đổi nghề nghiệp khi mất đất và giá đất đền bù phải tính đúng theo quy định của UBND tỉnh.
Nguyên đơn cho hay bản thân ông bị cán bộ huyện và xã “lừa” nhiều lần khi giải quyết khiếu nại của ông, chẳng hạn khi họp giải quyết thì thống nhất một đằng, lúc ra văn bản thì nội dung ngược lại.
Phiên tòa diễn ra khá bài bản với các thủ tục cần thiết, hội đồng xét xử 5 người ngồi uy nghi trên bục cao, hai công an ngồi cùng nguyên đơn và bị đơn lại càng có vẻ hình sự ngiêm trang. Các nông dân lần đầu đến phiên tòa với tư cách người làm chứng cho nguyên đơn có vẻ run khi bị gọi tên, song họ cũng khẳng định một sự thật là người khởi kiện trong phiên tòa hôm nay đúng là người trực tiếp sản xuất trên đất của ông ta tuy có thuê mướn nhân công (hơn chục ha đất cơ mà, ông và vợ con làm sao xuể?).
Còn người làm chứng cho bị đơn bảo ông là người không trực tiếp sản xuất trên đất đó thì bị đại diện cho nguyên đơn phản bác, chứng minh những lời khai đó là gian dối, thậm chí, có người là Già làng không phải ở xóm đó, cách xa hàng cây số, không biết nguyên đơn là ai cũng đứng ra làm chứng là không thấy ông này sản xuất trên đất đó.
Diễn biến phiên tòa hoàn toàn có lợi cho nguyên đơn khi vị đại diện cho UBND huyện không thể trả lời xác đáng các câu hỏi phí nguyên đơn đưa ra. Có chuyện rõ rành rành là không niêm yết công khai phương án đền bù, không trao Quyết định thu hồi đất cho người ta…, mà vẫn loanh quanh không chịu nhận lỗi.
Tuy nhiên, sau vài phút nghị án, bản án đã được tuyên trong một giọng đọc vội vã, nuốt từ của vị chủ tọa. Một kết quả có thể đoán trước đã thành sự thật: Bác đơn!.
Dĩ nhiên, một bản án tuyên không căn cứ vào kết quả tranh luận tại tòa là sự đánh dấu thất bại của chủ trương cải cách tư pháp. Nhưng, cơ bản là đã mang lại sự thất vọng, hoang mang cho những người nông dân dự khán. Họ không hiểu tại sao bản án đã tuyên ngược lại những gì mà họ chứng kiến. Hay Tòa cũng như mấy ông huyện, nói một đằng, làm một nẻo?.
Nhị Ngọc