“Trận địa” lò gạch thủ công ở Quốc oai (Hà Nội)

Mặc dù đã có Chỉ thị của UBND TP. Hà Nội về việc xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn thành phố trong năm 2011 thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung của Chính phủ, nhưng đến nay các lò gạch thủ công tại huyện Quốc oai vẫn ngang nhiên tồn tại và vô tư nhả khói.

Mặc dù đã có Chỉ thị của UBND TP. Hà Nội về việc xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn thành phố trong năm 2011 thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung của Chính phủ, nhưng đến nay các lò gạch thủ công tại huyện Quốc oai vẫn ngang nhiên tồn tại và vô tư nhả khói.

 

Lò gạch “bao vây” danh thắng

Chúng tôi có mặt tại xã Sài Sơn, huyện Quốc oai khi địa phương đang khẩn trương chuẩn bị cho Lễ hội Chùa Thày (mùng 7/3 âm lịch). Tương phản với phong cảnh nên thơ hữu tình của Chùa Thày với hoa gạo, hoa xưa là cánh đồng đằng sau danh thắng với 50 lò gạch đang ngạo nghễ tồn tại như những lô cốt, trong đó có lò đang nhả khói. Đất ruộng bị đào khoét nham nhở lấy đất làm gạch, tạo nên vô số những ao, chuôm.

Ông Đào Tiến Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn cho hay, trên địa bàn xã hiện còn 64 lò gạch, trong đó có tới 50 lò tại thôn Thụy Khuê (giáp Chùa Thày). Các lò gạch được xây dựng ngay trên đất lúa, chủ lò hạ cốt ruộng, đào khoét đất, hủy hoại mặt bằng sản xuất của người dân, gây ô nhiễm môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Đã có rất nhiều khiếu kiện, bất bình của người dân liên quan đến việc đốt lò gạch gây chết lúa và hoa màu. Nghĩa trang mới của thôn Thụy Khuê đã được xã quy hoạch và xây dựng nhưng cũng bị lò gạch “xâm chiếm” khiến nhiều gia đình có người mất cũng không an táng được, đành cho về khu nghĩa địa cũ chật chội.

Thực hiện chủ trương của thành phố về xóa bỏ lò gạch thủ công, năm 2011, xã đã mời tất cả các chủ lò lên để tuyên truyền, vận động, yêu cầu các chủ lò tự tháo dỡ, di dời các vật dụng và trả lại mặt bằng xong trước ngày 20/12/2011 nhưng các chủ lò không thực hiện. Các lực lượng chức năng của xã đã đi thu giữ dụng cụ sản xuất gạch của nhiều chủ lò về để tại sân UBND xã nhưng vì không có đủ chỗ để nên rốt cuộc lại để cho các chủ lò đến lấy về.

Trước tình hình này, UBND xã Sài Sơn đã có báo cáo gửi UBND huyện Quốc Oai đề nghị huyện hỗ trợ cưỡng chế để giải tỏa các lò gạch thủ công. Trong khi chờ cưỡng chế, xã Sài Sơn đã đề xuất UBND huyện Quốc oai 2 biện pháp gián tiếp là đề nghị Điện lực huyện cắt điện của các lò gạch và đề nghị  cấm tất cả công nông ra vào lò gạch. “Quan điểm của xã là rất muốn xóa bỏ lò gạch thủ công vì gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân, chỉ mang lại lợi nhuận cho mấy chục chủ lò. Các chủ lò gạch không đóng góp đồng nào cho ngân sách xã” – ông Tuyến nhấn mạnh.

“Tối hậu thư” cho lò gạch

Ông Hoàng Đăng Thiều, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc oai cho biết trong số 132 lò gạch thủ công trong toàn huyện thì riêng Sài Sơn đã chiếm một nửa. Trong số 132 lò đang hoạt động có 36 lò do UBND các xã, thị trấn ký hợp đồng, 38 lò do các HTXNN ký hợp đồng. 58 lò gạch ở Sài Sơn tự phát khai thác đất tại chỗ, không có hợp đồng thuê mặt bằng với chính quyền địa phương.

Thực hiện Chỉ thị của UBND TP. Hà Nội, ngày 7/12/2010, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 58/KH – UBND để thực hiện trong đó đề ra mục tiêu xóa bỏ toàn bộ gò lạch thủ công không ống khói trong năm 2011, lò thủ công có ống khói trong năm 2012. Cấm UBND các xã, Ban quản trị các HTXNN, các Trưởng thôn ký hợp đồng mới, gia hạn hợp đồng khai thác đất sản xuất gạch, ngói bằng lò thủ công.

Ngày 12/3/2012, UBND huyện đã quyết định thành lập Đoàn công tác liên ngành gồm 10 thành viên để kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn huyện. Theo ông Thiều, đề xuất của xã Sài Sơn về việc cắt điện các lò gạch và cấm tất cả công nông ra vào lò gạch, UBND huyện đã giao cho Đoàn công tác xem xét về tính khả thi để thực hiện.

Ông Nguyễn Quang Thắm, Phó Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng đoàn công tác cho hay để việc xóa lò gạch thủ công được triệt để Đoàn đã lập kế hoạch xóa bỏ lò gạch thủ công bao gồm 3 bước. Trong tháng 4/2012 sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động qua nhiều kênh để các chủ lò tự dừng và tháo dỡ. Sau đó sẽ tổ chức kiểm tra và xử phạt hành chính với các lò vi phạm. Đến hết ngày 31/12/2012, các chủ lò vẫn cố tình vi phạm sẽ cưỡng chế giải tỏa.

ĐỨC TRƯỜNG

Đọc thêm