Nhiều khu vực là “điểm nóng” vi phạm
Theo ghi nhận thực tế, tại nhiều tuyến đường thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội như: trục QL 6 đi qua huyện Chương Mỹ; QL 1A (cũ) đi qua huyện Thường Tín, Phú Xuyên; QL 21B - đoạn dẫn qua địa bàn các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức… mỗi khi vắng bóng các tổ công tác của lực lượng CSGT là tình trạng không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không tuân thủ tốc độ khi điều khiển phương tiện, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông lại diễn ra phổ biến.
Ghi nhận trên tuyến QL 21B, đoạn qua ngã tư Vác (Thanh Oai), bên cạnh lưu lượng người tham gia giao thông đặc biệt tăng cao, tại đây nhiều lễ hội của các làng, xã cũng được diễn ra thời điểm này khiến tình trạng duy trì trật tự và đảm bảo ATGT luôn “nóng”. Tuy nhiên, ngay trên cung đường này, mặc dù thường xuyên có sự tuần tra của các lực lượng chức năng nhưng tại các khu vực tập trung đông dân cư vào thời điểm từ 18h – 21h, khi CSGT vắng bóng là tình trạng không đội mũ bảo hiểm lại tái diễn.
Tương tự, tại trục đường 427, nối từ khu đô thị Xa La (Hà Đông) đi huyện Thanh Oai (Hà Nội), qua địa bàn các xã Cự Khê, Tam Hưng, Mỹ Hưng… mặc dù là một tuyến đường mới, đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục giao thông nhưng lượng người lưu thông nơi đây vẫn khá cao. Đáng lưu ý, ngay trên tuyến đường này, đặc biệt là trong khung giờ từ 7h – 9h, đoạn trước 100m của cầu Khê Tang, hướng từ xóm thượng (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) rẽ đi trung tâm thành phố thường xuyên tái diễn cảnh xe máy đi ngược chiều, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Nhìn nhận về vấn đề ATGT đặc biệt là khu vực ngoại thành Hà Nội, trong buổi khảo sát thực tế thời điểm trước Tết Nguyên đán tại Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng ban Đô thị - HĐND TP Hà Nội đã chỉ ra, bên cạnh những chuyển biến tích cực như tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với các năm trước. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn ngoại thành còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Theo ông Quân, ngoài tình trạng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường, nút giao vào giờ cao điểm, đặc biệt tại các tuyến cửa ngõ ra vào nội đô dịp cuối và đầu năm khi nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô và người dân từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tăng đột biến thì nan giải hơn cả là ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân ngoại thành hiện còn hạn chế. Tại một số địa phương ngoại thành, số người chết do tai nạn giao thông còn cao, vẫn còn tình trạng người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Hạ tầng thiếu đồng bộ
Bên cạnh ý thức người tham gia giao thông khu vực ngoại thành chưa cao, một vấn đề khác cần lưu tâm là hạ tầng giao thông vẫn chưa đảm bảo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Minh chứng dễ thấy nhất là ngay trên tuyến QL 21B, đoạn kéo dài trên 7km từ cầu Xà Kiều đến Thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
Theo ghi nhận, mặc dù trục đường này thường xuyên được nâng cấp, cải tạo nhưng hiện vẫn chưa đồng bộ. Đường thiếu các hệ thống hạ tầng đảm bảo ATGT như biển báo, sơn kẻ tại các vị trí đầu nối, chiếu sáng khu vực và tuyến đường. Bên cạnh đó, tại khu vực này cũng thường xuyên xảy ra các vi phạm hành lang ATGT như, phơi rơm trên mặt đường, thả rông gia súc... Hệ lụy là, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra tại đây.
Theo thông tin từ Đội CSGT số 10 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) từ ngày 30 đến mùng 7 tết Mậu Tuất, trên dọc tuyến QL 21B đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông làm chết 2 người. Điều đáng nói, cả 2 vụ trên đều xảy ra vào buổi tối và đều xảy ra trên địa bàn huyện Ứng Hòa, nơi 70% trục đường chưa được trang bị hệ thống chiếu sáng.
Trở lại câu chuyện ý thức người tham gia giao thông khu vực ngoại thành còn hạn chế, theo một cán bộ CSGT, bản thân lực lượng chức năng cũng thường xuyên gặp khó khi xử lý. Minh chứng dễ thấy nhất là khi bị lập biên bản xử lý, các trường hợp vi phạm thường viện dẫn hàng loạt lý do, như: “Em ra chợ mua mớ rau thôi”, “Nhà gần đây nên có chút việc đến nhà người quen ngay xã bên…” để ngụy biện cho lỗi vi phạm của mình. Lo ngại hơn, nhiều trường hợp khi thấy các tổ công tác của lực lượng CSGT từ phía xa là họ “né” chốt bằng cách phanh đột ngột, chuyển hướng quay đầu xe bất chấp nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông với các phương tiện lưu thông cùng chiều.
Rõ ràng, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân sinh sống trên khu vực ngoại thành là yếu tố quan trọng góp phần đẩy lùi vi phạm, kéo giảm số vụ tai nạn giao thông. Thời gian tới, các lực lượng chức năng, đặc biệt là các đơn vị CSGT cần chủ động, đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của công an các huyện, thị xã ngoại thành nhằm tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, nhất là tại các tuyến đường liên thôn, liên xã. Tin chắc với sự tham gia tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng với sự chung tay của người dân, công tác bảo đảm ATGT trên địa bàn ngoại thành Hà Nội sẽ sớm được chấn chỉnh và có hiệu quả bền vững, lâu dài.