Em gái gây tai nạn giao thông làm chị thiệt mạng

(PLO) -Có nhiều đêm trong giấc mơ, chị thấy chị gái hiện về, cứ trách móc bảo: “Sao em lái xe gây tai nạn, khiến chị phải chết”. Chị choàng tỉnh khỏi cơn mơ, rồi đau đớn khổ sở mà khóc suốt đêm.
Hình minh họa
Hình minh họa

Chị mất, em hầu tòa

Phiên  tòa xét xử vụ án “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” tại TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành có hai bị cáo là Trần Ngọc Lương (SN 1972, ngụ Nghệ An) và Hồ Thị Đường (SN 1973, ngụ tỉnh Thừa Thiên - Huế). Bị cáo Lương là người điều khiển ô tô. Bị cáo Đường cầm lái xe máy chở chị gái và cháu.

Vụ tai nạn do lỗi hỗn hợp giữa hai bên. Người cầm lái ô tô khi gặp biển cảnh báo nguy hiểm giao nhau với đường không ưu tiên, nhưng đã không giảm tốc độ hết mức nguy hiểm. Người cầm lái xe máy khi chuyển hướng rẽ trái nhưng thiếu chú ý quan sát, không bật đèn xi nhan xin đường, dẫn đến tai nạn làm người chị ngồi sau xe máy tử vong.

Nữ bị cáo khai, mình sinh ra và lớn lên ở quê, lấy chồng rồi sinh con. Quanh năm suốt tháng chị chỉ biết cặm cụi trên những mảnh ruộng mảnh vườn mưu sinh, ít có dịp đi ra khỏi lũy tre làng. Vậy mà mỗi lần trong nhà có việc, đi giỗ đi chạp hay cưới hỏi, phải sử dụng xe máy, người chị gái lúc nào cũng muốn đi cùng chị, được chị chở.

Người phụ nữ run run giọng: “Chị ấy nói tui chở, chị ấy mới yên tâm. Đi với mấy cậu, sợ các cậu uống bia vào, lái xe không an toàn. Hôm đó cả gia đình tui cũng đi ăn đám cưới. Mấy anh em trai đều bảo chị lên xe để chở. Nhưng chị nhất định ngồi sau xe tui. Chị tin tưởng tui rứa. Mà ai dè…”. Chị gục xuống, nức nở.

Hôm định mệnh đó, chị còn chở thêm đứa cháu nhỏ. Lúc tai nạn xảy ra, chị vẫn còn ngồi trên xe, nhưng nhìn lại sau lưng, chẳng thấy chị gái và cháu gái đâu cả. Chị lạnh toát cả người, hoảng hốt la lớn: “Bà con ơi! Cứu tui với. Chị tui mô rồi? Cháu tui mô rồi?”. Khi hai xe va chạm nhau, cháu gái văng xa về một hướng, mê man bất tỉnh. Chị gái văng xa về một hướng khác, nằm bất động.

Lúc xe đưa chị gái chị đi bệnh viện, chị cũng ẵm cháu lên đi cùng. Bấn loạn, chỉ cầu mong chị gái và cháu không sao. Nhưng đứa cháu nhỏ thì tỉnh lại, còn chị gái thì không bao giờ trở về. “Nghe bác sĩ nói, chị tui mất từ lúc tai nạn xảy ra, tui hồn vía lên mây, sụp xuống đó rồi không biết trời trăng gì nữa”, chị khóc.

Bị cáo “cuống” đến mức quên giấy tờ tùy thân, phải ký vào một mẫu giấy để so sánh chữ ký trong hồ sơ
Bị cáo “cuống” đến mức quên giấy tờ tùy thân, phải ký vào một mẫu giấy để so sánh chữ ký trong hồ sơ 

Người phụ nữ đưa bàn tay chai sần quẹt nước mắt. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, chị kể về những ngày khủng khiếp mà tất cả những người thân trong gia đình trải qua. Đó là những ngày gia đình đang lo đám tang cho người chị gái vắn số, thì chị cũng bị công an gọi lên gọi xuống lấy lời khai, sau đó thì bị khởi tố, truy tố. Nỗi đau càng chồng thêm nỗi đau.

Những người con của người đã mất bảo, ra trước tòa, họ là đại diện theo pháp luật của người bị hại, nhưng dì ruột là bị cáo. Điều đó thật đau đớn xót xa, bởi mãi mãi họ vẫn là ruột thịt, là người trong một gia đình. Họ không bao giờ muốn, và cũng rất sợ dì ruột phải đi tù. Chỉ vì sự bất cẩn khi lưu thông trên đường, mà gia đình họ phải chịu tang tóc, nơm nớp lo tù tội.

Điều đó vượt ngoài sức tưởng tượng của những người suốt đời chỉ biết làm ăn lương thiện, quanh quẩn bên đám đất đám ruộng cạnh nhà. 

Gia đình bị hại không chỉ làm đơn xin cho dì ruột mà còn cả người cầm lái xe ô tô. Tại phiên tòa, họ còn từ chối khoản tiền bồi thường tổn thất tinh thần mà cả hai bị cáo phải chịu là 60 triệu đồng. 

Ám ảnh từng giấc ngủ

Đứng thẫn thờ nơi hành lang chờ nghị án, bị cáo kể, từ ngày người thân qua đời, chưa đêm nào chị ngủ ngon giấc, một phần vì nhớ chị, một phần vì hối hận đã gây nên cái chết ấy. Có nhiều đêm trong giấc mơ, chị thấy chị gái hiện về, cứ trách móc bảo: “Sao em lái xe gây tai nạn, khiến chị phải chết”. Chị choàng tỉnh khỏi cơn mơ, rồi đau đớn khổ sở mà khóc suốt đêm.

Nỗi đau ấy cứ kéo dài dai dẳng mãi, khiến chị chẳng có tâm trạng nào để đi làm. Rồi những lần ghé sang nhà chị gái, thắp nén nhang trên bàn thờ, nhìn anh rể ngồi thẫn thờ nơi bậu cửa, khiến tim chị nhói đau. Từ đó, chị chẳng dám đến nhà chị gái nữa, mà ra thẳng mộ thắp nhang cho chị.

Dù các cháu chẳng trách móc gì, anh rể cũng không một tiếng nặng nhẹ, nhưng chị thấy mình đầy tội lỗi. “Vì tui mà anh rể mất vợ, các cháu mất mẹ, ba tui mất con... Kể từ ngày chị mất, tinh thần sức khỏe ba tui suy sụp. Hôm nay ba tui mô có đến tòa được. Tui thương chị quá”, chị nghẹn giọng.

Sau khi xảy ra tai nạn, ở quê người ta cứ xầm xì nhỏ to, có người còn nói thẳng mặt chị, bảo chạy xe gây tai nạn chết người, thì “phải đền mạng”, khiến chị càng hoang mang. Chị bảo, giá mà hôm đó người ra đi là mình, mà không phải là người chị gái, thì hay biết bao. Đau đớn, rồi hoang mang, căng thẳng khiến chị từng có ý định tìm đến cái chết.

Nhưng may thay, giữa lằn ranh sinh tử, chị lại nghĩ đến chồng con mà quay đầu lại. Bởi nếu chị chết đi, chồng con chị sẽ mất đi người vợ, người mẹ; sẽ đau đớn như nỗi đau mà anh rể và các cháu đang phải gánh chịu; và chị thức tỉnh.

Càng đến gần ngày mở phiên tòa, chị càng nôn nao lo lắng, sợ bản thân phải ngồi tù. Thương vợ, nhiều khi chồng chị an ủi: “Đi tù thì có chi ghê gớm. Nếu mẹ nó phải đi tù, thì để tui vào ngồi tù thay cho”. Nhưng lời động viên ấy cũng không khiến chị nguôi ngoai. “Cả đêm tui không ngủ được, lo lắng nên chỉ biết khóc”, chị lại đưa tay quệt nước mắt.

Đứa cháu gái đứng bên cạnh dì ruột khẽ trách: “Hồi nãy tòa hỏi dì có mong muốn gì, sao dì không xin tòa được giảm nhẹ mức án?”. Con gái bị hại nhìn dì ruột bằng ánh mắt xót xa, rồi nhỏ giọng chia sẻ, từ ngày mẹ mất, ba chị nhớ mẹ mà cứ thẫn thờ như người mất hồn.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử TAND tuyên phạt nữ bị cáo Đường 30 tháng tù, cho hưởng án treo, bị cáo Lương bị phạt 12 tháng tù. Nghe dì ruột được hưởng án treo, các cháu của bị cáo như thở phào. Tuy nhiên, trong ánh mắt họ vẫn chất chồng một nỗi niềm không lời nào tả được...

Đọc thêm