Ngại thay đổi cách nghĩ, cách làm
Thứ trưởng Hiếu nhấn mạnh, mục đích của Luật năm 2015 là nâng cao chất lượng xây dựng văn bản của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương với nhiều quy định mới, mang tính đột phá trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL. Sau gần 1 năm rưỡi thi hành Luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật năm 2015, qua quá trình theo dõi, Bộ Tư pháp nhận thấy, nhìn chung công tác xây dựng ban hành VBQPPL của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương có nhiều cải thiện.
Quy trình lập pháp mới cùng với yêu cầu cao hơn của Luật năm 2015 đã được các cấp, các ngành, các địa phương nghiêm túc quán triệt, đạt được nhiều kết quả. Chất lượng hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản, chất lượng hồ sơ dự án, dự thảo VBQPPL trong thời gian qua từng bước được nâng cao. “Điều đó cho thấy các quy định mới của Luật đã bắt đầu đi vào cuộc sống” – Thứ trưởng Hiếu đánh giá.
Tuy nhiên, qua theo dõi và những phản hồi từ các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cho thấy quá trình áp dụng Luật có một số tồn tại, hạn chế. Thứ trưởng Hiếu nêu ví dụ, đề nghị xây dựng văn bản còn chậm; hồ sơ đề nghị chưa đầy đủ, đặc biệt một số hồ sơ bỏ qua đánh giá tác động chính sách; việc đăng tải lấy ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản, dự thảo văn bản chưa đảm bảo thời gian đăng tải theo yêu cầu; việc xây dựng văn bản quy định chi tiết còn chậm, chưa chú trọng đúng mức đến chất lượng.
Theo Thứ trưởng, nguyên nhân thì có nhiều. Trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những quy định của Luật chưa thật hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đáng lưu ý là có những nguyên nhân chủ quan do ngại thay đổi cách nghĩ, cách làm quen thuộc trước đây, dẫn đến tình trạng “thay vì quyết tâm cao thực hiện nghiêm túc quy định của Luật lại có xu hướng bàn lùi”. Ngoài ra, có nguyên nhân do điều kiện đảm bảo, tổ chức thi hành Luật về nguồn lực, kinh phí, thời gian… Vì vậy, Thứ trưởng Hiếu cho rằng, Hội thảo là cơ hội tốt để các đại biểu phản ánh khó khăn, vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm, cùng tìm giải pháp khắc phục để đảm bảo thực hiện hiệu quả các quy định của Luật.
Cần thêm thời gian để kiểm chứng
Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Võ Văn Tuyển điểm lại những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong việc thực hiện quy định của Luật năm 2015. Đó là lúng túng trong thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng VBQPPL; khó khăn khi áp dụng quy định của Luật về hạn chế thủ tục hành chính, về trình tự, thủ tục rút gọn…
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn bộ, ngành, địa phương trong việc áp dụng đúng, thống nhất quy định của Luật năm 2015 và Nghị định 34, ông Tuyển cho biết: Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã giải đáp trực tiếp và trả lời bằng văn bản với những câu hỏi có nội dung mang tính kỹ thuật hoặc liên quan đến việc hiểu chưa đúng tinh thần, nội dung của Luật năm 2015 cũng như tổ chức kiểm tra tình hình triển khai thi hành Luật và chỉ đạo việc phối hợp, hướng dẫn lập đề nghị xây dựng văn bản.
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật thời gian qua và đánh giá cao quy định của Luật nhằm tạo nên quy trình xây dựng, ban hành văn bản có chất lượng, TS Đoàn Thị Tố Uyên (Trường Đại học Luật Hà Nội) nhận định, nguyên nhân không phải do các quy định của Luật mà còn do tổ chức thực hiện, năng lực thực thi của đội ngũ những người làm công tác xây dựng văn bản. Bà Uyên cho rằng, việc triển khai Luật mới được hơn 1 năm nên chưa thể ngay lập tức tạo chuyển biến về chất lượng trong xây dựng văn bản, cần có thêm thời gian để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thi hành Luật bởi có những chính sách 5 – 10 năm sau mới được kiểm chứng hiệu quả.
Từ thực tế tại địa phương, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thị Thược cũng đề cao những quy định mới của Luật trong việc nâng cao chất lượng ban hành văn bản. Bên cạnh đó, đại diện Sở Tư pháp cũng chỉ ra một số bất cập và đề xuất giải pháp như đối với trình tự, thủ tục rút gọn, cần bổ sung trường hợp ban hành VBQPPL chỉ để bãi bỏ VBQPPL khác.
Riêng việc quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND các cấp, đại biểu này cho rằng, cần chỉnh sửa theo hướng trong trường hợp HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành chính sách, biện pháp đặc thù ở địa phương mà phát sinh thủ tục thì phải thực hiện đánh giá tác động và xin ý kiến cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính của Trung ương trước khi ban hành, đồng thời quy định thời hạn, trách nhiệm, nội dung cho ý kiến của cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính Trung ương.