Trăn trở cùng Mùa biến động

(PLVN) - Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng vừa làm mới mình bằng tập thơ với đề tài thời sự “Mùa biến động” (NXB Hội Nhà văn). Từ đầu đến cuối bạn đọc nhận thấy trong thơ anh hằn nỗi trăn trở của một công dân, thi sĩ trước các vấn đề đang đặt ra, rất thời sự, nóng hổi trong đời sống xã hội.
 

Ở phần mở đầu là nỗi trăn trở của tác giả trước đại dịch Covid-19, mà ở đó cuộc đấu tranh dai dẳng giữa người và dịch bệnh (con vi-rút giấu mặt) luôn cam go, ác liệt và sẽ vẫn còn tiếp tục. Thơ Quang Hưng cũng ngầm nói rằng, trong đại dịch, con vi-rút giấu mặt đó đã đáng sợ, nhưng có một con vi-rút khác làm mất niềm tin, làm hoang mang, làm con người yếu đi còn đáng sợ hơn. Chẳng gì khác, chính mỗi chúng ta phải tự giúp mình, cứu lấy mình. “Phù Đổng chính mình” là cách chúng ta phải tự thân vận động để chung sống an toàn với sự cực đoan của bệnh tật, trong dòng chảy đầy bất trắc.

Ở phần thứ hai - “Giả tưởng nhiệt” lại là nỗi lo về hiện tượng thời tiết cực đoan, mùa hè đổ lửa, mùa hè nắng nóng bất thường kéo dài mà chúng ta vừa trải qua. Yếu tố môi trường, sự nóng lên của trái đất, ô nhiễm sông, đất đai, nguồn nước đã “bước” vào thơ. Bước sang phần “Xoay xoáy phố” lại là những trăn trở khác, khi phố phường thay đổi, chật hơn, ngột ngạt hơn. Khi đó thi sĩ nghĩ về đời người: “Hàng Mành phố hơi ngắn/ Đi quá bước đã sang phố mới/ Muốn trở lại đi thêm những đời người/ Muốn trở lại tưởng tượng thêm đời mình/ Muốn nối thêm đường mình phố nhỏ”. Rồi “Ngay cả hôm qua phố cũng không là như cũ/ Nhưng còn lưu trong mạch máu phố điều gì/ Để truyền cho người như con cái/ Những con cái lớn lên bằng biết phố/ Những con cái sống bằng giữ phố”.

Ở các phần “Chuỗi cộng hưởng chóng mặt”, “Lên trước không trung”, vẫn là tâm trạng “biến động”, nhưng đã được nhân lên, rộng thêm khi con người là chủ thể, là đối tượng chịu nhiều bất trắc, tổn thương trước những biến động của cuộc đời. Với bài thơ “Ngày biến động”, Nguyễn Quang Hưng khéo léo nói hộ cộng đồng, xã hội để mỗi ai đọc đều nhận thấy mình đang dự phần vào những dòng chảy có nhiều bất trắc ấy. 

Tập thơ “Mùa biến động” của Nguyễn Quang Hưng với 54 bài, nỗi trăn trở thế sự đã được giăng kín, chồng lớp, đưa bạn đọc đi hết nỗi lo này đến nỗi lo khác. Nhưng không phải để bi lụy, bi quan, mà để mỗi chúng ta hãy áp má xuống đất, lắng nghe tiếng đất. Hãy ngửa mặt nhìn trời mây mà nghe thiên nhiên nổi dậy, dịch bệnh hoành hành để mỗi người phải có cách ứng xử đúng đắn, có trách nhiệm trước thời cuộc, thiên nhiên, bờ cõi, chủ quyền đất nước. Bởi thiên nhiên đang đáp trả chúng ta bằng nắng nóng, bằng lũ lụt, bằng sự trồi sụt của vạt đồi vạt núi, bằng sự hung dữ của các dòng sông oằn oại nước, bằng muôn hình vạn trạng tật bệnh. Mỗi bài thơ đều có sức gợi, phô bày các hiện tượng và lý giải nó trong nỗi niềm đau đáu của một nhà thơ…

Đọc thêm