Trăn trở miền Tây

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo số liệu Thủ tướng Chính phủ công bố tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu”, tuy có nhiều tiềm năng về điều kiện tự nhiên, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước nhưng nông nghiệp miền Tây chưa phát triển nhanh, bền vững...
Trăn trở miền Tây

Những năm qua, đầu tư công dành cho ĐBSCL chiếm 17-20% cả nước, nhưng vùng chỉ chiếm khoảng 10% thu ngân sách của cả nước.

Nông nghiệp ĐBSCL vẫn là thế mạnh không thể thay thế của Việt Nam. Miền Tây thời gian qua góp hơn 31% GDP nông nghiệp cả nước, 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng, “đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn hạn chế so với nhiều khu vực khác”, phát biểu của Thủ tướng.

Miền Tây đã và đang đứng trước nhiều vấn đề. Có những thách thức lớn ở tầm quốc tế như các đập thủy điện ở thượng nguồn Mekong khiến mùa lũ đã không còn, biến đổi khí hậu và nước biển dâng… Có những khó khăn mà tự bản thân chúng ta có thể giải quyết kiềm chế như khai thác tài nguyên quá mức dẫn đến suy thoái, hạ tầng chưa đầy đủ.

Ở tầm quốc gia, Trung ương đã có những chính sách rất đúng đắn, từ ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với nhiều định hướng quan trọng như phát triển phải tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo, chọn mô hình thích ứng, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; đầu tư hàng loạt các dự án cầu lớn kết nối các tỉnh; ra các quy định cấm khai thác nước ngầm quá mức…

Với các vấn đề ở tầm quốc tế quanh con sông Mekong, chúng ta cũng đã có những chính sách linh hoạt, đưa ra những giải pháp “tự cứu mình” như coi nước mặn, nước lợ hay nước ngọt đều là tài nguyên để xây dựng các mô hình trồng trọt - sản xuất - kinh tế dựa trên những tài nguyên này.

Còn có nhiều ý tưởng kỹ thuật rất thú vị khác để miền Tây phát triển, như ĐBSCL cần phân vùng quản lý nước thành ba vùng chính: Vùng nước ngọt nên lùi vào khu vực an toàn tự nhiên, không được can thiệp; vùng chuyển tiếp gồm nước ngọt, lợ, mặn phải chấp nhận ngọt – mặn theo mùa, chỉ điều tiết chứ không ngăn mặn; vùng nước lợ - mặn thì thực hiện tuần hoàn nước biển để phát triển thủy sản và phục hồi sinh thái. Rừng ngập mặn có thể chống lũ thì nghiên cứu tận dụng thay vì xây dựng các loại đê, kè ngăn biển; quản lý thảm thực vật để làm chậm dòng nước, tăng thẩm thấu trong lòng đất, tạo điều kiện thoát hơi nước…

Thực tế đã cho thấy cây trái lúa gạo miền Tây vẫn sinh sôi, nảy nở dù gặp những điều kiện khó khăn. Thế nhưng, vì sao miền Tây vẫn chưa giàu? Còn một lý do là “cung – cầu” chưa được điều phối hợp lý, nông dân vẫn tự phát chuyển lúa thành cây ăn trái không theo quy hoạch đã định hướng vùng trồng. Khi trái cây miền Tây vẫn phụ thuộc vào một vài thị trường chính thất thường khiến nông sản “được mùa, mất giá”, khi hàng ngàn xe container vẫn có thể bị kẹt lại cửa khẩu bất kỳ lúc nào, khi nông dân chưa tổ chức sản xuất thành chuỗi giá trị để tăng uy tín thương hiệu sản phẩm tiếp cận rộng rãi thị trường thế giới thì nỗi trăn trở miền Tây vẫn còn đó.

Đọc thêm