Trăn trở phát triển tour du lịch nội thành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - City tour (các tour du lịch nội thành) đã và đang được nhiều thành phố du lịch trọng điểm trong nước xây dựng thành sản phẩm du lịch chủ đạo. Tuy nhiên, để xây dựng một mô hình tour có điểm nhấn và bản sắc riêng để hấp dẫn du khách lại không hề dễ dàng.
City tour trở thành sản phẩm chủ đạo ở nhiều thành phố du lịch. (Nguồn: Klook, Transerco)
City tour trở thành sản phẩm chủ đạo ở nhiều thành phố du lịch. (Nguồn: Klook, Transerco)

Mô hình du lịch triển vọng

Trên thế giới, city tour là loại hình phù hợp với phần lớn du khách khi đến thăm một thành phố du lịch. Một chuyến tham quan vòng quanh thành phố qua những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, địa điểm ăn uống, vui chơi nổi tiếng của thành phố sẽ lưu lại ấn tượng, mang đến cho du khách những góc nhìn đa chiều, tổng quan về sự hình thành, phát triển cũng như những nét bản sắc truyền thống hấp dẫn của điểm đến.

Điển hình tại Việt Nam có thể kể tới một số mô hình city tour ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuyến xe buýt 2 tầng kết hợp city tour Hà Nội có 13 điểm dừng và đi qua hơn 20 điểm tham quan nổi tiếng ở Hà Nội đã được đưa vào khai thác nhiều năm qua, thu hút nhiều du khách quốc tế. Đáng nói, từ ngày 18/11, Hà Nội đã vận hành thêm tuyến buýt city tour số 03 “Thăng Long thắng cảnh” để phục vụ nhu cầu thăm quan của du khách khám phá các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng phố cổ và khu vực hồ Tây, theo Sở Du lịch Hà Nội.

Lộ trình tuyến tour đi qua nhiều điểm đến trong lòng phố cổ và Thủ đô Hà Nội gồm: Chợ Đồng Xuân, ga Long Biên, chùa Trấn Quốc, bến thủy phi cơ, đền Võng Thị, chùa Tảo Sách, chùa Kim Liên, Hoàng thành Thăng Long, Lăng Bác, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Nhà hát lớn. City tour còn được trang bị hệ thống thuyết minh tự động bằng nhiều thứ tiếng để tương tác với các du khách nước ngoài.

City tour TP Hồ Chí Minh cũng được xem là sản phẩm du lịch tôn vinh các giá trị văn hoá, lịch sử, kiến trúc gắn liền với sự phát triển của thành phố và nhịp sống sôi động, hiện đại ngày nay. Về cơ bản, city tour TP Hồ Chí Minh cũng được thiết lập theo mô hình kết hợp với tuyến xe buýt 2 tầng như Hà Nội.

Hành trình vòng quanh thành phố đi qua nhiều điểm du lịch như: Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Dinh Độc Lập, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Nhà hát thành phố, đường hoa Nguyễn Huệ, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Pasteur, chợ Bến Thành, cầu Thủ Thiêm, tòa nhà Bitexco, bến Bạch Đằng, sông Sài Gòn, khách sạn Majestic (mang phong cách thời thuộc địa có từ năm 1920), Thảo Cầm Viên, tòa nhà Land mark 81 (tòa nhà cao nhất Việt Nam và trong tốp 20 tòa nhà cao nhất thế giới),...

Triển vọng của các mô hình city tour không chỉ nằm ở lợi ích kết nối du khách, đơn vị lữ hành và điểm đến, mà loại hình này còn tương đối linh hoạt, đa dạng, có thể tương thích với đặc thù từng địa phương. Đơn cử tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) có tour “Khám phá Hạ Long cùng xe điện Aloha” - một sản phẩm city tour kết hợp với phương tiện “xanh”, có trang bị hệ thống thuyết minh tự động sẵn trên xe.

Còn tại Hải Phòng, Sở Du lịch thành phố đã phát hành “Bản đồ món ngon - Foodtour Hải Phòng” và “Bản đồ check in Hải Phòng” nhằm dần dần hoàn thiện các mảnh ghép trong tour du lịch nội đô. Thành phố còn hướng tới phát triển thành ứng dụng trên điện thoại di động để tăng trải nghiệm cho du khách. Điểm hay của sáng kiến này là du khách có thể chủ động lựa chọn phương tiện và xây dựng lộ trình city tour của riêng họ.

Điểm nhấn city tour

Trên thực tế, dù có nhiều thành phố du lịch trên cả nước có nhiều tiềm năng phát triển city tour nhưng để xây dựng một mô hình tour có điểm nhấn và bản sắc riêng, trở thành sản phẩm chủ đạo để hấp dẫn du khách lại không hề dễ dàng. Có thể thấy, một city tour thành công không chỉ hấp dẫn bởi chính giá trị điểm đến mà còn bởi cách tiếp cận khách hàng, dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm thực tế và cả chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Đơn cử, TP Thanh Hóa có lợi thế vị trí địa lý nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, tọa lạc trên vùng đất cổ của văn hóa Núi Đọ và Đông Sơn, trải dọc hai bên bờ sông Mã. Điểm đến này cũng sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa đa dạng và giàu truyền thống cách mạng.

Đầu năm 2022, bộ sản phẩm city tour “Âm vang xứ Thanh” được ra mắt nhằm tăng thêm giá trị cho du lịch thành phố, kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Một số chương trình còn kết hợp city tour với tour khám phá các điểm đến hấp dẫn trong tỉnh như: Sầm Sơn, du lịch cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), bản Mạ (Thường Xuân), Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh)...

Tuy nhiên, city tour của TP Thanh Hóa đến nay vẫn chưa tạo ra sự đột phá như kỳ vọng, chưa đủ hấp dẫn để trở thành một sản phẩm bản sắc “du khách nhất định phải trải nghiệm” khi đến xứ Thanh. Một số ý kiến đánh giá sản phẩm city tour này vẫn “mờ nhạt”, “chưa được xây dựng, khai thác một cách hợp lý”, rất cần sự “bắt tay” giữa các cơ quan chức năng và đơn vị lữ hành trên địa bàn.

Một thành phố khác cũng đang hướng tới mô hình city tour là TP Phan Thiết. Đầu năm 2022, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Đề án Phan Thiết City tour giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, nêu rõ mục tiêu và lộ trình cụ thể để phát triển sản phẩm city tour đặc trưng của thành phố. Bên cạnh việc hình thành một số tuyến, điểm tham quan đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng, thành phố còn phải quan tâm đầu tư, khai thác các dịch vụ bổ trợ như hệ thống phương tiện vận chuyển du khách, các cơ sở ăn uống, mua sắm, khu vui chơi giải trí, hạ tầng kĩ thuật, nhà vệ sinh đạt chuẩn, trung tâm thông tin hỗ trợ du khách,...

Bên cạnh đó, các tuyến, điểm tham quan du lịch đưa vào khai thác phục vụ du khách phải bảo đảm tiêu chí “có sự quản lý, khai thác du lịch hiệu quả; có giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan đẹp; bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn du khách; có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn; có thuyết minh phục vụ du khách”… Điểm tích cực là chính quyền địa phương đã có những định hướng, nhận định rõ nét, nhưng để có một sản phẩm city tour thành công, hấp dẫn vẫn còn một chặng đường dài, mà du khách mới chính là những người đánh giá công tâm nhất.

Đọc thêm