"Trắng tay" dù mua đất hợp pháp?

Tiếp tục tìm hiểu vụ chuyển nhượng đất ở ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn, nhiều vấn đề khuất tất trong xét xử tranh chấp cần được làm sáng tỏ.

Tiếp tục tìm hiểu vụ chuyển nhượng đất ở ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn, nhiều vấn đề khuất tất trong xét xử tranh chấp cần được làm sáng tỏ.

Theo ông Huỳnh Công Đức (người bán 1.132 m2  - được cấp sổ đỏ năm 1999) đất cho ông Võ Văn Trung, trú số 69/15 đường số 6, phường Bình Trưng Tây, quận 2, TP HCM), ông Đoàn Văn Đực (bị đơn thắng kiện khi tranh chấp với ông Trung) là cháu rể của ông (không phải là cháu ruột như nhận định của bản án - NV). 

Nhiều vấn đề khuất tất trong xét xử tranh chấp dân sự này cần được làm sáng tỏ.

Năm 1976, ông Đực bỏ đi xứ khác. Thấy các cháu khó khăn ông mới bảo  Đoàn Văn Thành (con trai lớn ông Đực) cất chòi lá 20 m2 ở tạm trên đất của ông. Khi ông Thành lấy vợ đã giao nhà lại cho em trai là ông Đoàn Văn Tánh và ông Đực sau này mới về ở với các con. Việc cho ở nhờ không có sự tham gia của ông Đực (theo hồ sơ mãi đến năm 2003, ông Đực mới đứng tên chủ hộ).

Ngày 26/11/2009, thừa ủy quyền của Chánh án TANDTC, Thẩm phán Phạm Trung Tuấn đã có Công văn đề nghị Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết quy trình cấp sổ đỏ cho ông Huỳnh Công Đức có đúng trình tự thủ tục không? Đề nghị cung cấp toàn bộ tài liệu (bản photo) liên quan đến việc cấp sổ đỏ này. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Nhơn Trạch chưa phúc đáp.

Hồ sơ cấp sổ đỏ cho ông Đức năm 1999, được cơ quan chức năng làm đúng pháp luật. Ông Đực cho rằng, năm 1975 ông được ông Đức kêu về cho đất để ở. Chứng cứ là tờ giấy xác nhận của ông Nguyễn Minh Tầm, Trưởng ban ấp… Tuy nhiên, ông Đức khẳng định từ trước tới nay không hề cho ông Đực ở nhờ và tờ giấy kia là ngụy tạo để chiếm đất.

Bản án Phúc thẩm số 4/2009 ngày 13/01/2009 của TAND tỉnh Đồng Nai y án sơ thẩm của TAND huyện Nhơn Trạch, bác đơn đòi đất của ông Trung với lập luận: Ông Trung mua đất mà không quan tâm đến việc có người khác đang cư trú trên đất đó, hơn nữa ông Đực đã trực canh trên đất đó nhiều năm nên theo Luật Đất đai thì đất này là của ông Đực.

Nhưng theo ông Đức, phần đất này là của cha mẹ ông để lại, trên đó còn có mộ của cha mẹ ông và chị em gái (bà ngoại của các ông Thành và Tánh). Khi bán đất cho ông Trung, ông Đức đã bàn bạc và gia tộc thống nhất di dời những ngôi mộ này đi nơi khác. Thực tế, từ năm 1998 ông Đức đã kê khai và năm 1999 được UBND huyện Nhơn Trạch cấp sổ đỏ; ở các lần hòa giải thì cả ông Thành, ông Tánh đều công nhận mình là người ở nhờ trên đất và đồng ý di dời.

Trong khi đó, gia đình ông Đực không có giấy tờ gì để chứng minh đất của mình ngoài cuốn sổ hộ khẩu; ông Đực cũng chưa từng đóng thuế khi ở trên đất này, trong khi ông Đức vẫn làm nghĩa vụ thuế đầy đủ cho nhà nước.

Việc ông Đực và gia đình được cấp sổ hộ khẩu tại địa phương là do nhu cầu quản lý con người của chính quyền chứ không có nghĩa sổ hộ khẩu để chứng minh chủ sở hữu đất đai như nhận xét của Tòa. “Tôi là lão thành cách mạng, từng lãnh đạo chính quyền địa phương ít nhiều cũng am hiểu pháp luật. Nay tôi bán đất nhận tiền của người ta, bị ông Đực tranh chấp vô cớ lại được Tòa xử cho thắng làm ông Trung mất đất, mất tiền, vô hình trung tôi là kẻ đi lừa đảo", ông Đức  bức xúc.

Việc một người có đất chuyển nhượng cho người khác với đầy đủ các thủ tục hành chính nhưng bị phủ nhận quyền sử dụng hợp pháp, gây bức xúc dư luận ở địa phương, cần được các cơ quan tố tụng trung ương xem xét lại nhằm đảm bảo quyền lợi người dân và tính nghiêm minh của pháp luật.       
Bình Minh

Đọc thêm