Sự phản đối của Moskva đang dấy lên một cuộc chiến pháp lý xung quanh vụ khủng bố khiến 335 người chết, trong đó có 186 trẻ em. Ngoài ra, 810 người gồm con tin, nhân viên an ninh và binh sỹ quân đội bị thương.
Từ những thông tin khác nhau
Trong tuyên bố hôm 13/4, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov khẳng định, phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu về việc Moskva đã không áp dụng đủ các biện pháp để ngăn chặn cuộc tấn công khủng bố tại Beslan và chính quyền có thể đã giảm thiểu được hậu quả của khủng bố là hoàn toàn mang tính lý thuyết. Đồng thời nhấn mạnh, kết luận như vậy đối với một nước từng nhiều lần bị tấn công khủng bố là không thể chấp nhận được.
Theo phán quyết hôm 13/4 của Tòa án Nhân quyền châu Âu, chính phủ Nga phải trả cho bên nguyên trong vụ kiện liên quan tới vụ khủng bố ở Beslan 3 triệu euro, 88.000 euro bồi thường chi phí cho vụ kiện. Đây chưa phải phán quyết cuối cùng bởi trong vòng 3 tháng kể từ ngày ra phán quyết, các bên đều có thể khiếu nại lên cơ quan cấp cao hơn của Tòa án Nhân quyền châu Âu.
Khi đó ban thẩm phán gồm 5 người sẽ quyết định có tiếp tục xem xét vụ kiện hay không. Nếu quyết định tiếp tục xem xét, tòa án cấp cao hơn sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng. Nếu không xem xét tiếp, phán quyết kể trên sẽ là cuối cùng.
Giải cứu con tin tại trường học ở Beslan |
Theo giới truyền thông, 409 nguyên đơn, trong đó có gia đình của những người chết và các con tin bị thương, đã nộp đơn kiện theo một loạt điều khoản của Công ước châu Âu về nhân quyền. Bởi họ cho rằng, chính phủ Nga đã không thực hiện các nghĩa vụ của mình để bảo vệ nạn nhân, cũng như cuộc điều tra vụ việc sau đó không đầy đủ. Một số nguyên đơn còn cho rằng, chiến dịch giải cứu con tin không được chuẩn bị kỹ lưỡng và số thương vong lớn là do lực lượng an ninh sử dụng vũ lực không phù hợp.
Giới truyền thông cho biết, mặc dù bọn khủng bố đã tấn công trường học số 1 ở Beslan (từ 1-9-2004), phong tỏa trong 3 ngày và sát hại hơn 330 người, trong đó có 186 trẻ em, nhưng Nurpashi Kulayev, tên duy nhất còn sống sót trong vụ bắt cóc con tin chỉ bị kết án chung thân hôm 26/5/2006. Nurpashi Kulayev, người Chechnya đã may mắn thoát án tử hình bởi khi đó Nga tạm thời không áp dụng hình phạt này cho dù bị tòa kết tội giết người.
Theo kết quả điều tra, Nurpashi Kulayev (bị bắt ngay sau khi lính đặc nhiệm Nga tấn công để giải cứu con tin) là một trong 32 tay súng Chechnya đã tấn công và bắt giữ hơn 1.300 con tin tại trường học số 1 ở thị trấn Beslan theo lệnh của trùm khủng bố Shamil Basayev. Nhưng theo lời khai của Nurpashi Kulayev, thủ lĩnh phiến quân Chechnya Aslan Maskhadov (đã bị tiêu diệt) mới là người ra lệnh thực hiện vụ bắt cóc con tin kể trên.
Phiên tòa xét xử Nurpashi Kulayev đã phải hoãn nhiều lần vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc tên này không thừa nhận đã tàn sát các con tin. Nhiều người thân và những người may mắn sống sót sau thảm họa Beslan đã theo dõi sát từng phiên xét xử và họ đều cho rằng, Nurpashi Kulayev đã giơ đầu chịu báng cho những người phải chịu một phần trách nhiệm trong việc không ngăn chặn kịp thời vụ bắt cóc con tin tại trường học ở Beslan.
Và cho tới nay mới có 3 cảnh sát bị xét xử vì tội thiếu trách nhiệm và làm việc thờ ơ trong khi điều tra vụ khủng bố kể trên. Tại phiên tòa ở Vladikavkaz hôm 17/5/2005, nhiều thân nhân của người bị hại đã có những hành động quá khích khiến thẩm phán phải dừng phiên xét xử.
Dư luận cho rằng, vụ bắt cóc con tin hôm 1/9/2004 là tồi tệ nhất trong lịch sử nước Nga và lực lượng đặc nhiệm có trách nhiệm trong vấn đề này. Lực lượng đặc nhiệm Alpha và Vympel của Nga đã được huy động để giải cứu con tin và họ được lệnh tấn công sau khi bọn bắt cóc nổ súng vào những con tin bỏ chạy. Được biết, trong khi 4 trực thăng chiến đấu MI-8 đang quần đảo trên không thì lực lượng đặc nhiệm đã tấn công ngoài kế hoạch.
Các con tin bị dồn vào phòng tập thể dục của trường |
Giới chuyên môn khẳng định, cuộc giải cứu con tin ở Beslan đã chấm dứt theo cách không được dự tính trước bởi mọi việc diễn ra quá nhanh, bất ngờ và có phần hỗn loạn. Dư luận cho rằng, nguyên nhân chính khiến nhiều con tin bị chết là do bọn khủng bố đã kích nổ những quả bom tự tạo đeo quanh người. Trong khi đó nhiều thân nhân của nạn nhân cáo buộc, chính người của cơ quan thi hành pháp luật đã làm cho vụ giải cứu con tin thêm rối.
Theo tuyên bố của Chủ tịch ủy ban điều tra vụ Beslan của Duma Nga Alexander Torshin, lực lượng thi hành luật pháp địa phương phải chịu trách nhiệm bởi họ không tuân thủ yêu cầu của Moskva.
Tới câu chuyện cảm động
Gần 3 năm trước (thượng tuần tháng 9/2014), tờ Rossiyskaya Gazeta đã tổ chức cuộc gặp giữa Thiếu úy đặc nhiệm Elbrus Gogichayev với bé gái Alyona Tskayeva. Bởi khi tiến hành giải cứu con tin trong vụ khủng bố ở Beslan hôm 2/9/2004, lính đặc nhiệm Elbrus Gogichayev đã bế trên tay một bé gái 6 tháng tuổi tới nơi an toàn, và bức ảnh này được hàng triệu người trên thế giới chứng kiến.
Và bé gái đó chính là Alyona Tskayeva. Khi vụ khủng bố xảy ra, cựu Tổng thống nước cộng hòa Ingushetia Ruslan Aushev đã thương đàm với bọn bắt cóc con tin. Tuy ông Ruslan Aushev đã khiến bọn khủng bố cho phép phụ nữ có con ra khỏi tòa nhà. Nhưng chị Fatima Tskayeva, mẹ đẻ Alyona Tskayeva đã quyết định ở lại với con gái cả Kristina cùng con trai Makhar, và trao con gái mới 6 tháng tuổi cho một người khác.
Phần lớn nạn nhân là trẻ em |
Sau khi bọn khủng bố kích hoạt các khối thuốc nổ đặt trong phòng thể dục của trường, chị Fatima Tskayeva đã ném Makhar và những đứa trẻ khác ra cửa sổ phòng thể dục và hét lên bằng tiếng Ossetia, buộc chúng chạy tới nơi an toàn. Khi mái nhà sụp xuống đã chôn vùi chị Fatima Tskayeva và con gái Kristina, nhưng Makhar đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Còn bé Alyona Tskayeva được Thiếu úy đặc nhiệm Elbrus Gogichayev cứu khỏi nhà thể dục, trưới họng súng của bọn khủng bố. Theo lời kể của ông Elbrus Gogichayev, bé Alyona Tskayeva không hề khóc trong suốt hành trình tìm kiếm gia đình em. Alyona Tskayeva chỉ òa khóc khi ông Elbrus Gogichayev gỡ em ra khỏi tay mình. Sau khi biết tin mẹ Alyona Tskayeva đã chết, ông Elbrus Gogichayev muốn nhận nuôi bé.
Tuy đã có 2 con trai, nhưng ông Elbrus Gogichayev và vợ vẫn muốn nuôi bé Alyona Tskayeva. Và lần đầu tiên gặp mặt sau 10 năm, ông Elbrus Gogichayev chẳng nói gì nhiều, thậm chí còn thể hiện cảm giác giống như muốn bỏ chạy bởi Thiếu úy đặc nhiệm tự dằn vặt mình vì đã không thể cứu nhiều người trong vụ khủng bố.
Và đó là lý do vì sao ông Elbrus Gogichayev không muốn tiếp xúc với báo chí. Tuy nhiên ông Elbrus Gogichayev đã ôm Alyona Tskayeva và động viên cô bé: "Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, Alyona”. Sau cuộc gặp ông Elbrus Gogichayev, Alyona Tskayeva hiểu hơn về những gì đã xảy ra với mình.
Truyền thông cho hay, sau khi thủ lĩnh phiến quân Chechnya Shamil Basayev nhận trách nhiệm về vụ khủng bố Beslan, ngày 17/9/2004, Tổng thống Putin tuyên bố, Nga đang chuẩn bị một cách nghiêm túc cho những đợt tấn công phủ đầu chống khủng bố. Và vụ xâm nhập của các tay súng Shelkovskoy Jamaat được dư luận Nga đặc biệt quan tâm vì nó diễn ra đúng dịp phiên toà xét xử Nurpashi Kulayev bước vào giai đoạn gay cấn nhất - tranh luận có nên áp dụng án tử hình đối với hắn?
Theo ông Viktor Ignatiyev, phát ngôn viên của Bộ An ninh tại khu vực, các tay súng Shelkovskoy Jamaat định gây ra một vụ Beslan thứ hai bởi chúng đã chiếm được 2 ngôi nhà trong làng tại khu vực Tukui Mekteb và định chiếm một trường học, nhưng bất thành. Được biết, khoảng 300 cảnh sát và binh sỹ ngoài việc truy kích những tên chạy trốn, còn truy lùng số vũ khí, thuốc nổ mà bọn phiến quân có thể cất giấu quanh khu vực giao tranh.
Bức ảnh gây chấn động trong vụ khủng bố ở Beslan |
Theo giới truyền thông, lực lượng phiến quân luôn âm mưu gây ra một vụ Beslan thứ hai bởi ngày 18/5/2005, ông Nikolai Shepel, Phó trưởng công tố Nga tiết lộ, các tay súng Chechnya từng lên kế hoạch khủng bố tương tự như vụ Beslan tại một ngôi làng ở nước cộng hòa Ingushetia. Và vụ này do trùm khủng bố Aslanbeck Hatuev chỉ huy.