Tranh chấp dân sự trên không gian mạng: Cần giải quyết hiệu quả các vấn đề pháp lý quốc tế

(PLVN) - Việc xác định cụ thể thẩm quyền tài phán của Tòa án trong giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài trên không gian mạng có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết hiệu quả các tranh chấp.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: PV)
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: PV)

Tăng giao dịch trực tuyến làm tăng các tranh chấp

Tại Hội thảo “Pháp luật và thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” (Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP HCM tổ chức ngày 20/01), tác giả Lê Duy Định (Học viện Tư pháp) và Bùi Lê Hiếu (Học viện Tòa án) cho biết, hiện nay, các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài trên không gian mạng xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này đặt ra hàng loạt thách thức trong vấn đề xác định thẩm quyền tài phán của Tòa án khi tiến hành giải quyết các vụ việc.

Theo đó, trong bài tham luận về: “Thẩm quyền tài phán của Tòa án trong giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài trên không gian mạng - kinh nghiệm của Singapore và kiến nghị cho Việt Nam”, hai tác giả nhìn nhận, đây là chủ đề khá phức tạp. Bởi theo Báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Báo cáo này cũng dự đoán, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD. Sự gia tăng các giao dịch trực tuyến sẽ gia tăng các tranh chấp.

Hai tác giả cho rằng, việc xác định cụ thể thẩm quyền tài phán của Tòa án trong giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài trên không gian mạng có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết hiệu quả các tranh chấp.

Trên cơ sở này, hai tác giả khái quát những vấn đề lý luận chung về tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài trên không gian mạng, nêu quy định pháp luật Việt Nam và Singapore về thẩm quyền tài phán của Tòa án. Từ đó, tác giả Lê Duy Định và Bùi Lê Hiếu kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện quy định, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài trên không gian mạng để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền tại Việt Nam.

Cũng tại Hội thảo, PGS.TS Trần Việt Dũng, Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP HCM cho biết, trong bối cảnh tăng cường hợp tác, tương trợ tư pháp toàn cầu và khu vực ASEAN, Việt Nam đã chủ động, tích cực nghiên cứu các cơ chế, khuôn khổ quốc tế khác nhau về tư pháp quốc tế như UNCITRAL, UNIDROIT, IDLO... và các điều ước quốc tế khác về tư pháp quốc tế.

Việt Nam cũng đã tham gia Hội nghị và một số Công ước La Hay về tư pháp quốc tế, đồng thời ký kết nhiều hiệp định tương trợ tư pháp song phương. Những nỗ lực này mang lại nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là trong việc tăng cường hiểu biết về tư pháp quốc tế và giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề pháp lý quốc tế trong lĩnh vực dân sự, thương mại.

Làm rõ nhiều vấn đề tranh chấp có yếu tố nước ngoài

Hội thảo “Pháp luật và thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” gồm hai phiên, nội dung xoay quanh hai chủ đề chính, đó là: “Pháp luật và thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại các quốc gia ASEAN” và “Hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại - kinh nghiệm gia nhập các Công ước La Hay của các quốc gia trong khối ASEAN”.

Đã có nhiều bài tham luận được trình bày với các chủ đề: “Xác định thẩm quyền của toà án quốc gia Thái Lan và Indonesia trong việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài”, “Hoạt động tống đạt giấy tờ ra nước ngoài trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa Việt Nam và Singapore”, “Nhận xét hệ thống quy phạm xung đột trong pháp luật Việt Nam và thực tiễn áp dụng trong xét xử các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam”, “Quy định về hợp pháp hóa lãnh sự theo một số điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN - Sự cần thiết gia nhập Công ước Apostille”...

Trong buổi thảo luận, nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề hợp pháp hóa lãnh sự và sự cần thiết gia nhập Công ước Apostille cũng được các diễn giả, khách mời quan tâm thảo luận vì đây là vấn đề rất thiết thực, liên quan đến các hoạt động tư vấn pháp luật về thương mại, đầu tư.

Đặc biệt, những khó khăn khi hợp pháp hóa lãnh sự cũng được nhiều thẩm phán tham dự Hội thảo chia sẻ khi giải quyết các vụ việc trên thực tế. Bên cạnh đó, việc thu thập chứng cứ và tống đạt giấy tờ, tài liệu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế; vấn đề nội luật hóa các Công ước La Hay về Tư pháp quốc tế và hài hòa hóa pháp luật ASEAN cũng được một số khách mời kiến nghị.

Phát biểu tổng kết những vấn đề đã được thảo luận, TS Phan Hoài Nam, Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP HCM nhìn nhận, Hội thảo có nhiều ý kiến, với nội dung đa dạng, góp phần làm rõ một số vấn đề liên quan đến pháp luật, thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam và tại các quốc gia ASEAN. TS Phan Hoài Nam hy vọng, những ý kiến chuyên môn từ Hội thảo sẽ hữu ích trong việc tăng cường hợp tác, tương trợ tư pháp toàn cầu cũng như giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Đọc thêm