Theo tìm hiểu, Cty CP Thế Diệu có nguồn gốc Trung Quốc, Giám đốc là ông Lu Wang Sheng (Lục Vương Sinh, quốc tịch Trung Quốc) đăng ký đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ tháng 10/2013 thời hạn 50 năm. Dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Lăng Cô – Việt Nam” do Cty này đầu tư rộng khoảng 200ha tại khu vực mũi Cửa Khẻm (nơi núi Hải Vân đâm ra biển) sẽ xây dựng khu nghỉ mát tiêu chuẩn 5 sao (450 phòng), trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ ngồi, khu nhà nghỉ dưỡng 5 tầng (220 căn hộ cao cấp), 350 căn hộ biệt thự và khu dịch vụ du lịch, nhà hàng, bãi tắm... với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD.
Để chuẩn bị cho việc triển khai dự án, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư con đường dài 5km đi vào khu vực dự án với tổng kinh phí khoảng 50 tỉ đồng, vừa đưa vào sử dụng; đồng thời đang đẩy mạnh thi công hệ thống dẫn điện chiếu sáng, nước.
Địa giới “chưa thống nhất”
Tuy nhiên, chưa bàn đến việc mũi Cửa Khẻm có vai trò rất trọng yếu về an ninh – quốc phòng liên quan đến thẩm quyền của Quân đội thì vị trí hiện tại của dự án nghỉ dưỡng 5 sao này cũng được cho là nằm trên cơ sở đường địa giới hành chính “chưa thống nhất” giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng. Khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính giữa hai địa phương này là phần diện tích của hai nửa phía Bắc và phía Nam núi Hải Vân tính từ đỉnh cao 700,8m chạy đến mũi Cửa Khẻm và hòn Sơn Trà con (đây là hòn đảo nhỏ, nằm ngoài biển, về hướng Đông, cách mũi Cửa Khẻm khoảng 600m, nằm ngay cửa vịnh Đà Nẵng).
Theo UBND TP.Đà Nẵng, từ ngày giải phóng cho đến năm 1995, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thực hiện quyền quản lý, khai thác và bảo vệ có hiệu quả khu vực nêu trên và phía “hàng xóm” chưa hề có sự can thiệp nào. Sự không thống nhất về địa giới hành chính giữa hai địa phương chỉ thực sự bắt đầu từ khi thực hiện Chỉ thị số 364/CT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nhằm xây dựng và hoàn thiện bản đồ hiện trạng về địa giới hành chính của các địa phương.
Ngày 10/9/1998, UBND TP.Đà Nẵng có Báo cáo số 28 lên Thường vụ Bộ Chính trị về quan điểm cũng như những căn cứ đề xuất để giải quyết việc phân vạch đường địa giới hành chính chưa thống nhất giữa TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 26/10/2005, Bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng có Báo cáo số 458 gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về quá trình, thực trạng quản lý hòn Sơn Trà con.
Báo cáo nêu rõ thực tế hòn Sơn Trà con từ trước năm 1995 chưa bao giờ tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý. Đồng thời, báo cáo phân tích vị trí chiến lược của đảo này, các căn cứ lịch sử, khoa học về địa hình, ý nghĩa về quốc phòng và thuận lợi về quản lý đối với TP.Đà Nẵng. Cũng theo UBND TP.Đà Nẵng, trong suốt quá trình hiệp thương, khi chưa đạt đến sự thống nhất, TP.Đà Nẵng luôn chấp hành ý kiến chỉ đạo của Trung ương, bảo đảm sự ổn định và đoàn kết, không làm điều gì phức tạp thêm, không tạo ra các hoạt động đơn phương nhằm gia tăng căng thẳng.
Tuy nhiên, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tổ chức trồng rừng, xây dựng nhà tạm trên “đất tranh chấp”, gắn biển địa danh hành chính… Đối với hòn Sơn Trà con, năm 2011, cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng còn phát hiện tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Cty Cổ phần Đảo Ngọc 47ha trên đảo này. Khi bị phát hiện, doanh nghiệp đã thực hiện đền bù xong cả 47ha trên đảo (một phần cho di chuyển Đồn Biên phòng), làm hạ tầng…
Về việc này, ngày 7/10/2011, UBND TP.Đà Nẵng có công văn đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế có biện pháp nghiêm cấm các đơn vị đến khai thác tại hòn Sơn Trà con, nơi chưa được thống nhất giao quyền quản lý.
“Chia” như thế nào?
Theo “cáo buộc” từ phía Đà Nẵng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được giao quản lý khu vực hòn Sơn Trà con từ ngay sau ngày giải phóng miền Nam. Đến năm 1989, do bị bão lớn nên nhà của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng bị tốc mái, hư hỏng, đồng thời nhiệm vụ chống vượt biên cơ bản hoàn thành nên lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tạm rút vào bên trong vịnh, nhưng hàng tuần vẫn ra đảo để tuần tra, canh gác, thực hiện nhiệm vụ.
Bất ngờ, vào ngày 20/10/1995, tuy không có sự thỏa thuận nào giữa tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng không có sự thỏa thuận nào của hai Quân khu V và Quân khu IV, nhưng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế “vẫn” tự ý lên đảo và xây nhà ngay trên nền móng nhà của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Được biết, cùng với việc đề nghị thu hồi dự án nghỉ dưỡng nói trên, UBND TP.Đà Nẵng cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành sớm xem xét, quyết định: Đường địa giới hành chính đoạn từ đỉnh núi Hải Vân (ở độ cao 700,8m), theo hệ dông (đường phân thủy) các đỉnh núi đến mũi Cửa Khẻm lấy đường phân thủy làm căn cứ để phân chia, phần đất thuộc về bên sườn núi chảy về lưu vực vịnh Đà Nẵng (nửa phía Nam) thuộc về TP.Đà Nẵng và phần đất thuộc về sườn núi chảy về lưu vực vịnh Lăng Cô (nửa phía Bắc) thuộc về tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định giao hòn Sơn Trà con thuộc địa giới hành chính TP.Đà Nẵng quản lý.
Trong lúc cơ quan có thẩm quyền của Trung ương quyết định, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6278/NC ngày 28/12/1997. Thừa Thiên Huế nói gì về câu chuyện này, PLVN sẽ chuyển tải đến bạn đọc trong các số báo tới.
Ngày 28/12/1997, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6278 thông báo rõ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng: “Trong khi chờ xem xét và giải quyết đường địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng tại khu vực đèo Hải Vân, để tránh tình hình phức tạp có thể xảy ra, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo chặt chẽ các ngành chức năng của địa phương và chính quyền các quận, huyện vùng giáp ranh không thực hiện những hoạt động làm phức tạp tình hình và gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại khu vực này”.