Tranh luận vụ kiện không đăng ký tạm trú, vẫn được tòa xác định là bị đơn

(PLVN) - Một người phụ nữ đăng ký hộ khẩu thường trú tại huyện Phong Điền, ở trọ tại quận Ninh Kiều (cùng TP Cần Thơ) nhưng không đăng ký tạm trú, bị cho là nợ tiền của cậu ruột. Người cậu khởi kiện cháu gái tại TAND quận Ninh Kiều và Tòa Ninh Kiều thụ lý vụ kiện. Quyết định này đã “gây khó” cho Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Ninh Kiều, nên cơ quan này phải ủy thác THA cho nơi bị đơn thường trú.

Quyết định “gây khó” cho Chi cục THADS

Hồ sơ cho thấy, ngày 13/8/2024, TAND quận Ninh Kiều ra Văn bản số 517/20020/TLST-DS với đơn kiện của người đàn ông SN 1958 ngụ xã Vĩnh Thuận Đông, tỉnh Hậu Giang. Nguyên đơn kiện cháu gái là người phụ nữ SN 1997, đăng ký thường trú ấp Nhơn Thọ 1A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, Cần Thơ. Nguyên đơn cho rằng trước đây cháu gái đã mượn tiền mình nên nay kiện đòi trả.

Ngày 28/8/2024, Tòa Ninh Kiều có biên bản hòa giải thành về việc các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Ngày 5/9/2024, Tòa Ninh Kiều ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 132/2024/QĐST-ST. Theo đó, người cháu thống nhất nợ tiền cậu ruột và đồng ý trả cho cậu số tiền gốc. Về thời gian trả và phương thức trả, các bên thống nhất sẽ thỏa thuận tại Chi cục THADS quận Ninh Kiều.

Tuy nhiên, Chi cục THADS Ninh Kiều sau đó “gặp khó” trong quá trình thi hành Quyết định 132 của Tòa Ninh Kiều. Ngày 16/10/2024, Chi cục THADS Ninh Kiều ra quyết định THA 141/QĐ-CCTHADS; sau đó ngày 22/10/2024 lại ra Quyết định thu hồi quyết định THA số 04/QĐ-CCTHADS. Chi cục THADS Ninh Kiều nêu rõ “xét thấy người phải THA có địa chỉ cư trú tại huyện Phong Điền”, nên cùng ngày 22/10/2024 ra quyết định ủy thác THA, ủy thác cho Chi cục THADS Phong Điền tiếp tục THA với người phụ nữ SN 1997.

Quyết định của TAND quận Ninh Kiều và Quyết định ủy thác của Chi cục THADS Ninh Kiều. (Ảnh: Đình Thương)

Sự việc nêu trên gây thắc mắc, đó là bị đơn có địa chỉ cư trú tại huyện Phong Điền, nên theo Điều 39 Bộ luật TTDS 2015 quy định về thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ, thì TAND huyện Phong Điền mới là cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ kiện, ra quyết định. Vậy tại sao TAND quận Ninh Kiều lại thực hiện việc này?

Luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Trâm (Đoàn LS TP HCM) giải thích, theo Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS), vụ kiện trên thuộc thẩm quyền thụ lý của TAND cấp huyện nơi bị đơn cư trú. Điều 11 Luật Cư trú 2020 nêu rõ, nơi cư trú được xác định là nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú của bị đơn. “TAND quận Ninh Kiều chỉ có thể thụ lý vụ kiện này nếu bị đơn có đăng ký tạm trú trên địa bàn quận Ninh Kiều”, LS Trâm đánh giá.

Trong Quyết định 132 của TAND Ninh Kiều, có ghi bị đơn “địa chỉ liên hệ: Số 199H1/6, khu vực 2, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ”. PV PLVN đã tới Công an phường An Bình tìm hiểu và Trung tá Lê Duy Bình, Trưởng Công an phường An Bình khẳng định, qua rà soát trên hệ thống, xác định người phụ nữ trên không đăng ký thường trú hay tạm trú trên địa bàn phường An Bình. Người phụ nữ này thực tế chỉ ở trọ tại địa chỉ số 199H1/6, khu vực 2, phường An Bình.

Trả lời của TAND quận Ninh Kiều

Sau khi tiếp nhận thông tin từ PV PLVN, về phía TAND quận Ninh Kiều, ông Văn Hứng, Chánh Văn phòng cho rằng, qua xem xét hồ sơ việc thụ lý vụ “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa hai đương sự trên; thì theo đơn khởi kiện, phía nguyên đơn cung cấp địa chỉ của bị đơn tại số 199H1/6, khu vực 2, phường An Bình, quận Ninh Kiều.

Ông Hứng cho rằng quy định pháp luật không yêu cầu tòa phải xác minh nên TAND quận Ninh Kiều không xác minh. “Trong trường hợp này, toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, thủ tục liên quan Tòa Ninh Kiều đều gửi theo đường bưu điện cho bị đơn theo địa chỉ này và đều nhận được phản hồi từ phía bị đơn. Khi hòa giải thành, thẩm phán phát hành quyết định cũng gửi cho bị đơn theo địa chỉ này”, ông Hứng nói.

Quan điểm trên của TAND quận Ninh Kiều bị LS Trâm đánh giá là chưa kín kẽ, chưa thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Bị đơn có nơi thường trú tại huyện Phong Điền; chỉ ở trọ tại quận Ninh Kiều nhưng không có đăng ký tạm trú; và Chi cục THADS Ninh Kiều cũng xác định rõ “xét thấy người phải THA có địa chỉ cư trú tại huyện Phong Điền” nên mới ra quyết định ủy thác THA cho Chi cục THADS Phong Điền.

“Hồ sơ cho thấy trong sự việc này, bị đơn đã trực tiếp đến tòa và tòa lập biên bản hòa giải thành. Về nguyên tắc bắt buộc, khi làm việc với tòa, đương sự phải xuất trình giấy tờ tùy thân, đăng ký tạm trú tạm vắng để tòa xác định thẩm quyền thụ lý theo lãnh thổ. Có thể vì không chú trọng khâu này, nên mới xảy ra sự việc có dấu hiệu TAND quận Ninh Kiều thụ lý xét xử vụ án không đúng theo quy định Điều 39 Bộ luật TTDS 2015”, LS Trâm nói.

LS Trâm giải thích, theo khoản 2 Điều 213 Bộ luật TTDS, thì quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép, vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. “Do Quyết định 132 của TAND quận Ninh Kiều có dấu hiệu bị nhầm lẫn, nên theo Điều 373 Bộ luật TTDS, thì Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP HCM có quyền kháng nghị với Quyết định 132”, LS Trâm nói.

Đọc thêm