Đơn của 63 người dân nguyên là cán bộ, công nhân viên chức, người lao động (NLĐ) Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, Trại giống thỏ thịt Sơn Tây (nay là Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây) cho biết, nhiều năm trước, sau một thời gian dài làm việc, các hộ được hai trung tâm cấp đất để làm nhà ở từ những năm 1978.
Năm 1983, Trại giống thỏ thịt Sơn Tây có quyết định “cắm” đất (giao đất) cho NLĐ làm nhà, làm vườn, đào ao, thả cá. Năm 1989, Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì có thu tiền lệ phí đo đạc và cấp giấy chứng nhận liên quan sử dụng đất cho người dân.
Năm 1990, các gia đình được Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì cấp “giấy chứng nhận đất”, vào số chứng nhận đất, trên giấy tờ ghi loại đất T (thể hiện trên bản đồ 299 T - là đất thổ cư). Từ khi được giao đất đến nay, các hộ hàng năm vẫn đóng thuế sử dụng cho diện tích đất gia đình mình đang sử dụng theo mức đất ở.
Ngày 26/9/2023, UBND Sơn Tây có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp tỉnh lộ (TL) 414 (đoạn từ Ngã ba Vỵ Thủy đi Xuân Khanh). Văn bản do ông Nguyễn Viết Đạt, Phó Chủ tịch UBND Sơn Tây ký, ghi đất của các hộ gia đình là đất hành lang giao thông, không được bồi thường về đất (giá bồi thường là 0 đồng).
Cho rằng quyền lợi hợp pháp chính đáng của mình không được bảo đảm; việc xác định loại đất, đơn giá đền bù chưa phù hợp pháp luật; từ tháng 11/2023, các hộ dân nhiều lần có đơn gửi UBND Sơn Tây và UBND TP Hà Nội.
“Chúng tôi cũng rất ủng hộ dự án thực hiện mở rộng đường TL414. Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, chúng tôi cam kết luôn nhất trí với mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giao thông, kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn cơ quan thẩm quyền rà soát hồ sơ, tài liệu và đối chiếu quy định pháp luật, đưa ra phương án thu hồi, GPMB phù hợp để bảo đảm quyền, lợi ích cho các hộ gia đình”, ông Nguyễn Việt Dũng, một trong những hộ dân bị thu hồi đất nói.
Giấy tờ liên quan việc sử dụng đất của một số hộ. (Ảnh: Tuệ Phong) |
Làm việc với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, bà Lê Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Khanh cho biết: “Chúng tôi cũng đã nhận được phản ánh của người dân. Sự việc này, nếu thu hồi và thực hiện bồi thường theo phương án do UBND TX Sơn Tây ban hành thì người dân rất thiệt thòi. Do đó, theo thẩm quyền của mình, UBND phường luôn tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ người dân”.
Bà Hồng cho biết, từ nhiều năm trước, phường cũng đã có kiến nghị đến Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị làm thủ tục nhằm hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân nói trên. “Đến nay khi dự án đi qua, đất bị thu hồi, thiệt thòi cho người dân là có. Tôi mong muốn có cơ chế đặc thù để người dân được bảo đảm quyền lợi”, Phó Chủ tịch UBND phường cho hay.
Ngày 9/1/2025, phóng viên đến UBND TX Sơn Tây để làm việc sau khi đã liên hệ, đặt lịch làm việc theo trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, Phó Chánh Văn phòng UBND cho biết: “Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TX đi họp và tham dự tổng kết cuối năm hết rồi, công việc giao cho Chánh Văn phòng, nhưng Chánh Văn phòng cũng đi dự hội nghị tổng kết. Hôm nay, ở UBND TX không còn lãnh đạo nào ở cơ quan có thẩm quyền để giải quyết công việc nữa”.