Tránh thất thoát, lãng phí trong xây dựng

(PLO) - Thảo luận về Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) sáng qu, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều hy vọng Dự thảo Luật sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và tăng hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí trong hoạt động xây dựng.
Tránh thất thoát, lãng phí trong xây dựng
Ngăn thất thoát từ khâu thẩm định
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí trong các dự án đầu tư xây dựng là do thiếu vắng vai trò kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước trong các khâu như thẩm định dự án, thẩm định trước thuế và dự toán xây dựng, nên Đại biểu (ĐB) Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) kiến nghị đưa vào luật những quy định cụ thể về năng lực và trách nhiệm của cơ quan thẩm định, tư vấn thẩm tra khi có sai sót, những quy định về trách nhiệm của thanh tra xây dựng khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như những quy định trách nhiệm của tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát khi công trình xây dựng sai phép, hay khi có sự cố xảy ra; bổ sung thêm những điều quy định về năng lực của cá nhân, về thẩm định dự án và đơn vị thẩm định được phép mời các chuyên gia để tham vấn đối với những nội dung vượt quá năng lực chuyên môn của mình. 
Xác định “Quy hoạch xây dựng là khâu rất quan trọng của hoạt động xây dựng”, nhiều ĐBQH đề nghị trong Dự thảo Luật cần phải quy định chặt chẽ, đầy đủ từ yêu cầu, nguyên tắc lập quy hoạch, trình tự lập thẩm định việc lấy ý kiến cho đến phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch. Đồng thời, Dự thảo Luật Xây dựng nên áp dụng tập trung giới hạn vào hoạt động xây dựng nhưng có biện pháp chế tài cụ thể hơn, có hiệu lực cao để đảm bảo việc thực thi hiệu quả còn liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư, hoạt động của chủ đầu tư nói chung hay quản lý sử dụng vốn ngân sách. 
ĐBQH nhận thấy đầu tư xây dựng là một lĩnh vực lớn của xã hội, theo tài liệu thống kê chiếm tới 70% tổng đầu tư của xã hội, nên một số ý kiến đề nghị Luật phải quy định rõ về thành phần phân loại và cấp công trình để quản lý nhà nước mới có hiệu quả. 
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, đầu tư là giai đoạn không thể tách rời trong các dự án xây dựng công trình nên để công tác quản lý nhà nước về xây dựng ngày càng được hiệu quả, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) cần điều chỉnh xuyên suốt toàn bộ quá trình bỏ vốn và tiến hành các hoạt động xây dựng nhưng cần tách bạch đầu tư và quản lý nhà nước về xây dựng một cách rõ ràng và cụ thể hơn để hạn chế đến mức tối đa những bất cập như trong thời gian qua. 
Không để qui hoạch “treo”, chồng lấn
Trước thực trạng quy hoạch đô thị, quy hoạch khu kinh tế, quy hoạch khu công nghiệp trong thời gian vừa qua gây thất thoát và lãng phí lớn, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị có những qui định cụ thể về quy hoạch xây dựng, để quy hoạch có sức sống lâu dài hàng chục năm và đến cả trăm năm, tránh tình trạng quy hoạch treo, chồng lấn, điều chỉnh quy hoạch, phá vỡ quy hoạch và vi phạm quy hoạch. 
Theo Dự thảo Luật, trước khi cấp giấy phép xây dựng thì phải có thiết kế xây dựng được duyệt theo quy định, có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định, ĐB Phạm Thị Mỹ Lệ (Bình Phước) cho rằng: “Đối với nhà ở riêng lẻ của người dân thì trước khi được cấp giấy phép xây dựng, bắt buộc phải xin phép duyệt thiết kế trước sẽ chỉ gây khó khăn, tốn kém cho người dân”. 
Do đó, ĐB này kiến nghị Dự thảo Luật cần phải quy định cụ thể đối với công trình xây dựng nào khi cấp giấy phép xây dựng phải có thiết kế xây dựng được duyệt theo quy định. Còn đối với nhà ở riêng lẻ của nhân dân thì không nên bắt buộc phải có thiết kế xây dựng được duyệt theo quy định mới được cấp phép xây dựng…

Đọc thêm