Tránh tiền lệ nguy hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đường cao tốc trên lý thuyết được thiết kế để ô tô đi lại trong hầu hết các tình huống thời tiết, nhưng chỉ một cơn mưa đã gây “tê liệt”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sáng ngày 29/7, sau cơn mưa kéo dài, hơn 100m cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) ngập sâu, giao thông qua đây bị ùn tắc nhiều giờ; một số ô tô chết máy. Đường cao tốc trên lý thuyết được thiết kế để ô tô đi lại trong hầu hết các tình huống thời tiết, nhưng chỉ một cơn mưa đã gây “tê liệt”. Đó là điều hết sức nguy hiểm. Nan giải hơn nữa, là tại cuộc họp bàn giải pháp khắc phục tình trạng trên hai ngày sau đó, các bên vẫn chưa thống nhất được rõ ràng nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Đại diện Ban Quản lý Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thì cho rằng sự cố ngập do lượng mưa lớn đổ về khu vực trũng thấp này từ 3 hướng, còn nước trên sông Phan không chảy kịp. Đơn vị này cho rằng cần khơi thông dòng chảy sông suối ở hạ lưu để khắc phục tạm thời; và cần khảo sát, đánh giá lại nhiều yếu tố, mới có thể tính toán được giải pháp lâu dài.

Trong khi đó, đại diện Cty Tư vấn xây dựng khẳng định “tuyến đường được thiết kế phù hợp dự liệu cơ sở, có tính toán dữ liệu thủy văn và địa hình trước đó”. Đơn vị này cũng cho rằng cao tốc ngập do mưa quá lớn, cây cối lại mọc nhiều ở ven sông gây cản trở dòng chảy, nước lũ từ sông lên.

Tuy nhiên, ý kiến của Ban Quản lý và đơn vị tư vấn không thuyết phục được chính quyền địa phương. Đại diện UBND huyện khẳng định cây cối tự nhiên hai bên bờ không ảnh hưởng nhiều dòng chảy của sông, không có hộ dân nào đắp đất ngăn dòng. Đại diện địa phương cho rằng độ dốc hạ cốt nền đường cao tốc qua đoạn quá thấp có thể là nguyên nhân gây ngập, vì vậy cần đánh giá lại khâu thiết kế.

Đại diện Sở GTVT chỉ ra một yếu tố khác, khi cho rằng đơn vị tư vấn thiết kế lấy số liệu của đỉnh lũ sông Phan năm 1992 (43,14m) để tính toán hạng mục thoát nước qua đoạn này là chưa toàn diện. Bởi đỉnh lũ của sông năm 1999 cao hơn mà lại không được tính đến.

Theo vị này, độ dốc của đường qua đoạn này cũng thiết kế quá sâu đến mức không cần thiết. Cùng quan điểm, đại diện Cty truyền tải điện của tỉnh cho biết theo kỹ thuật, khoảng cách từ dây dẫn điện đường dây 550kV xuống mặt đường chỉ cần 14m là bảo đảm an toàn, còn ở đây khoảng cách hơn 22m. Do vậy, việc làm cống thấp tại đây không phải bị khống chế bởi đường điện.

Về phía Sở NN&PTNT, cho biết chỗ trũng này chỉ đặt 1 cống thoát rộng 2,5m x 2,5m là quá nhỏ, cần phải mở rộng thêm khẩu độ bảo đảm lượng nước thoát khi mưa lớn.

Với hai luồng ý kiến “va” nhau như trên, nên việc cuộc họp chưa thống nhất được vấn đề gì, là chuyện dễ hiểu. Hơn nữa, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử ở nước ta có sự cố như vậy xảy ra; nên có thể thông cảm chuyện khó có thể kết luận nguyên nhân, giải pháp trong một vài ngày. Quan trọng nhất, là phải xác minh kết luận sự việc một cách rốt ráo, chính xác, đúng nguyên nhân, đúng giải pháp. Cao tốc là tương lai không chỉ của Việt Nam mà của cả nhân loại, nên cần nhìn thẳng vào thực tế, vào sự thật để giải quyết vấn đề, tránh tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong thiết kế xây dựng vận hành sử dụng đường cao tốc.

Đọc thêm