Tráo khái niệm để "đánh tháo" cho người vi phạm?

Trong vòng 36 ngày sau khi ông Được bị bắt và sau hơn hai tháng BIECO khởi công dự án, việc “đổi chủ” đã hoàn tất và ông Ngọc nghiễm nhiên trở thành Giám đốc Cty Quảng Thái... Ông Ngọc đã tạo ra các văn bản với nội dung “rút tên thành viên, rút vốn BIECO” ra khỏi Cty Quảng Thái và thay đổi đăng ký kinh doanh mới không có tên cổ đông sáng lập BIECO.


Năm 1992 và 1993, UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Cty Xây dựng và trang bị nội thất BIECO (trụ sở tại 200 Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân, Hà Nội) 5.000m2 đất tại huyện Hải Ninh để mở chi nhánh Cty và đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại tại TP Móng Cái tỉnh Quảng Ninh. BIECO quyết định đầu tư dự án khu trung tâm thương mại và du lịch Quảng Thái rộng 2.000m2 và được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận. Nhưng…

Giám đốc bị bắt, cổ đông chiếm quyền 

Để triển khai dự án này BIECO có chủ trương thành lập Cty con và lấy tên là Cty cổ phần Quảng Thái để kêu gọi vốn đầu tư; thành lập Ban quản lý dự án để quản lý, giám sát điều hành xây dựng công trình cho đến khi hoàn thành và bàn giao cho Cty Quảng Thái tiếp nhận và sử dụng.

gfhdf
Tranh minh họa

Vì mới chủ trương thành lập cty nên lúc đó ông Nguyễn Thế Được - Giám đốc BIECO đã ký trước một số công văn để chuẩn bị gửi cho UBND tỉnh Quảng Ninh với nội dung xin phép được chuyển đổi chủ đầu tư từ BIECO sang Cty Quảng Thái với hàm ý là sau khi thành lập được Cty cổ phần Quảng Thái mới gửi đến UBND tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, chưa kịp thành lập Cty Quảng Thái thì ngày 21/9/2001, ông Được bị bắt tạm giam vì liên quan đến đường dây đưa người đi lao động nước ngoài.

Lợi dụng tình hình rối ren của Cty, ông Vũ Thanh Ngọc (một cổ đông góp vốn vào dự án của BIECO được ông Được ủy quyền làm Phó Giám đốc BIECO kiêm trưởng Ban quản lý dự án Quảng Thái sử dụng con dấu và đăng ký kinh doanh cùng một số văn bản được dự thảo ký sẵn của Giám đốc để thành lập Cty Quảng Thái do ông Ngọc làm giám đốc, như Quyết định số 20/QĐ-2001 của BIECO về việc góp vốn vào Cty Quảng Thái, tự lập danh sách cổ đông sáng lập Cty Quảng thái và giả chữ ký người đại diện cổ phần cho Cty BIECO…

Sau đó, ông Ngọc làm công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ninh xin được chuyển đổi chủ đầu tư Dự án khu trung tâm thương mại du lịch Quảng Thái của BIECO sang cho Cty Quảng Thái. Ngày 26/10/2001, UBND tỉnh Quảng Ninh có Công văn số 1299 đồng ý cho việc chuyển đổi này. Sau đó, Cty Quảng Thái đã hoàn tất việc chuyển quyền sử dụng đất dự án thương mại do BIECO làm chủ đầu tư về tay mình.

Như vậy, chỉ trong vòng 36 ngày sau khi ông Được bị bắt và sau hơn hai tháng từ ngày BIECO khởi công dự án, việc “đổi chủ” đã hoàn tất và ông Ngọc nghiễm nhiên trở thành Giám đốc Cty Quảng Thái. Tiếp đó, để toàn quyền sử dụng 2.000m2 đất và các tài sản dự án của BIECO đang xây dựng, ông Ngọc đã tạo ra các văn bản với nội dung “rút tên thành viên, rút vốn BIECO” ra khỏi Cty Quảng Thái và thay đổi đăng ký kinh doanh mới không có tên cổ đông sáng lập BIECO.

“Đánh tráo” khái niệm tội danh để đình chỉ vụ án? 

Sự việc vỡ lở, ông Được và đại diện BIECO làm đơn tố giác đến cơ quan công an. Mặc dù có nhiều chỉ đạo của các cấp các ngành, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương…đề nghị làm rõ hành vi lừa đảo của ông Ngọc, nhưng phải hơn 4 năm sau (30/7/2010) Công an tỉnh Quảng Ninh mới khởi tố vụ án “Giả mạo tài liệu của cơ quan tổ chức”. Tuy nhiên, sau 4 tháng CQĐT lại cho rằng “Hết thời hạn điều tra vụ án, CQĐT không chứng minh được người thực hiện hành vi giả chữ ký trong một số tài liệu”.

Mặt khác, CQĐT xác định: “Số tài liệu có chữ ký giả (đã được Viện KHHS-Bộ Công an giám đinh) không có tính chất quyết định việc chuyển giao chủ đầu tư cũng như quyền sử dụng đất, do vậy hành vi đó không cấu thành tội Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”. Vậy nên CQĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

Thực tế, ông Ngọc đã lợi dụng thời điểm Giám đốc Được bị bắt và việc được ủy quyền để làm giả các văn bản giấy tờ gửi UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND tỉnh Quảng Ninh đã căn cứ vào những giấy tờ tài liệu này để đồng ý chuyển đổi chủ đầu tư, quyền sử dụng đất từ BIECO sang Cty Quảng Thái, tạo điều kiện cho việc chiếm đoạt dự án Trung tâm thương mại và du lịch Quảng Thái của ông Ngọc được hoàn tất (ở đây đã rất rõ hành vi lừa gạt các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh của ông Ngọc).

Theo Luật sư Nguyễn Văn Vinh, Đoàn luật sư Hải Dương, hành vi của ông Ngọc có thể cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự. Việc CQĐT khởi tố vụ án “Giả mạo tài liệu của cơ quan tổ chức” là một tội danh không có trong BLHS; còn nếu hiểu là tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” theo Điều 267 BLHS thì không đúng, vì khách thể của tội danh này không đúng với bản chất của vụ án.

Mặt khác, hành vi chiếm đoạt tư cách pháp nhân và 2.000m2 đất cùng tài sản trên đất bằng cách giả mạo giấy tờ để “qua mặt” các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh…gây thiệt hại cho BIECO và nhiều cổ đông khác hàng ngàn tỷ đồng là đặc biệt nghiêm trọng. Thời hạn điều tra với tội danh này là 4 tháng và được gia hạn 2 đến 3 lần, mỗi lần không quá 4 tháng. Vì vậy, CQĐT cho rằng 4 tháng hết thời hạn điều tra vụ án là không đúng pháp luật.

Trường Lưu
        

Đọc thêm