Phó Giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho rằng Bộ Xây dựng đã xây dựng nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở với sự tham gia của Bộ Công an liên quan đến công tác phòng cháy, cứu nạn. Tuy nhiên, quy định này mới mang tính thời điểm, chưa có sự đồng bộ, liên thông.
Ý thức bảo đảm an toàn phòng cháy, cứu nạn, cứu hộ của người dân còn hạn chế. Chính quyền tuyên truyền "ra rả suốt ngày, nhà nào cũng đồng ý ký cam kết", nhưng không phải ai cũng thực hiện. "Có công trình đang cho thuê trọ vi phạm phòng cháy, cảnh sát khu vực cấm, nhưng người dân vẫn vào ở. Người dân mua nhà ở đấy rồi thì không thể ngăn họ vào, khó khăn vô cùng", Thiếu tướng Tùng nói.
Thiếu tướng Tùng cho rằng vấn đề cốt lõi là trật tự xây dựng, trong đó có thanh tra, kiểm tra việc cấp phép, giám sát xây dựng phải được thực hiện nghiêm túc. Có những vụ tồn tại quá lâu, qua nhiều thời kỳ, khi xảy ra cháy mới được lật lại. Như vụ cháy ở Thanh Xuân làm 56 người chết, nguyên nhân sâu xa là sai phạm về xây dựng từ năm 2015. Cơ quan chức năng khi điều tra, tố tụng phải xem xét trách nhiệm của rất nhiều cán bộ trong giai đoạn này. Nhiều sai phạm về xây dựng kéo dài đến bây giờ vẫn chưa thể xử lý được. "Nếu đưa ra xử lý tất cả thì hết cán bộ, hết cả hệ thống chính quyền phường, chưa nói đến quận", Thiếu tướng Tùng nói.
Ông Trần Hợp Dũng, Phó Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, cùng quan điểm việc vi phạm quy hoạch, xây dựng làm gia tăng số vụ cháy nghiêm trọng. Nhà ở riêng lẻ và nhà chung cư cũ không còn bảo đảm quy định do lịch sử để lại cũng rất khó giải quyết dứt điểm. "Ta phải làm rõ thời gian tới TP sẽ có biện pháp gì đối với những khu dân cư không bảo đảm độ rộng mặt đường cho xe chữa cháy? Nên dừng cấp phép xây dựng các khu vực này", ông Dũng kiến nghị.
Việc bảo đảm an toàn phòng cháy cần phải có sự phối hợp Nhà nước và Nhân dân. Trong đó, Nhà nước đầu tư về nhân lực, công nghệ, phương tiện, có những chế tài nghiêm khắc với vi phạm; còn người dân cần cam kết, thực thi đúng quy định về xây dựng, phòng cháy. Với việc Quốc hội vừa thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, Hà Nội đã có nhiều cơ chế đặc thù xây dựng hành lang pháp lý mạnh mẽ, có thể cắt điện, nước những công trình vi phạm, triệt tiêu những công trình vi phạm theo lộ trình phù hợp… Thực hiện đồng bộ các giải pháp này, nhất định công tác phòng cháy, chữa cháy sẽ ngày càng đi vào nề nếp.