Theo đó, Bộ Tư pháp cho biết, sau hơn 6 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Đơn cử, một số quy định không phù hợp với thực tiễn, gây cản trở công tác giải quyết việc nuôi con nuôi, cụ thể: Khoản 1 Điều 3 quy định quy định một số bệnh ở dạng nhẹ (thoát vị rốn, bụng, bẹn) và không rõ mức độ (bệnh về máu) được giải quyết đích danh dẫn đến hiện tượng lạm dụng để giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài, không bảo đảm trẻ em có cơ hội được nhận làm con nuôi trong nước; quy định tại Điều 4 về hỗ trợ nhân đạo cho việc nuôi dưỡng trẻ em chưa phù hợp với thực tiễn và chưa quy định cụ thể về hình thức hỗ trợ khác…
Dự thảo Nghị định mới sửa đổi, bổ sung Điều 3 theo hướng bãi bỏ những loại khuyết tật, bệnh tật dễ bị lạm dụng (thoát vị rốn bụng, bẹn), quy định rõ một số bệnh về máu để đảm bảo chỉ những trẻ em bị khuyết tật hoặc mắc bệnh thực sự nặng mới được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài theo diện đích danh, ưu tiên giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước đối với trẻ em khuyết tật, mắc bệnh thông thường, thể nhẹ.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Điều 4 theo hướng quy định rõ “hình thức khác” tại khoản 1 là hình thức hỗ trợ một lần, riêng lẻ bằng tiền, hiện vật, hàng hóa, chuyên gia, cung cấp đầu vào để tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, nghiên cứu, khảo sát, đào tạo. Đây là hình thức hỗ trợ nhân đạo phát sinh phổ biến trong thực tiễn công tác giải quyết nuôi con nuôi.
Tuy nhiên, do Nghị định số 19/2011/NĐ-CP chưa quy định rõ nên việc thực hiện trên thực tế thiếu minh bạch và phát sinh tình trạng chỉ quan tâm đến việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài để nhận được các khoản hỗ trợ riêng lẻ bằng tiền hoặc hiện vật.
Ngoài ra, bổ sung quy định cụ thể về cách thức thực hiện hỗ trợ nhân đạo bằng tiền (phải chuyển khoản) và trách nhiệm báo cáo của các cá nhân, tổ chức hỗ trợ nhân đạo để bảo đảm có sự kiểm tra, theo dõi của cơ quan có thẩm quyền.