“Tội phạm đối với trẻ em ngày càng phức tạp” - đánh giá của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Tuy nhiên pháp luật hình sự hiện hành vẫn tồn tại những “khoảng trống” đáng quan ngại để bảo vệ trẻ em hữu hiệu hơn trước các hành vi bạo lực và xâm hại.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Thời gian qua, tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng về mức độ, số lượng vụ việc, nhất là bóc lột sức lao động của trẻ em, các vụ hiếp dâm, dâm ô trẻ em, bạo hành gia đình, bạo lực học đường...
Thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho thấy, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600-1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%.
Những vụ việc xâm hại trẻ em liên tiếp được công khai làm rúng động dư luận và cảnh báo “đỏ” về sự an toàn của những đứa trẻ và sự xuống cấp về đạo đức, ý thức pháp luật của những người trưởng thành.
Mới đây, bé Nguyễn Hoàng Anh (3 tuổi, ở quận Gò Vấp) đã bị cha dượng là Nguyễn Nhân Từ (SN 1983) đánh rách gan, dập tinh hoàn, đa chấn thương phải nhập viện cấp cứu chỉ... vì đi vệ sinh ra quần; những đứa trẻ trong các đường dây trẻ ăn xin ở TP.HCM thường bị “bẻ gãy chân hoặc tay để đi xin cho dễ” như lời kể của một nạn nhân; những vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, toàn quốc đã xảy ra hơn 1.600 vụ), nhiều vụ có tính chất nguy hiểm, băng nhóm, có sử dụng hung khí, gây thương tích, thậm chí tử vong; những bé gái bị cưỡng bức rồi phải làm mẹ khi mới 11, 12 tuổi…
Các vụ việc cho thấy, tính mạng và sức khỏe của trẻ em đang bị xâm hại từng ngày, mà theo ông Nguyễn Trọng Hoàn (Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An), sự lỏng lẻo và những “khoảng trống” trong hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em đã gây bất cập trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em. Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng, nhận tố giác từ trẻ em; pháp luật cũng chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe những người có hành vi bạo lực; hoặc ngay cả khi có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhưng thực hiện chưa nghiêm túc...
Chế tài xử phạt chưa tương xứng với hành vi cần xử lý
Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam đã có nhiều qui định bảo vệ người chưa thành niên (NCTN) không bị bạo lực về thể chất cũng như tinh thần. Các qui định về các tội phạm xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự và nhân phẩm của con người đều qui định phạm tội đối với trẻ em là “tình tiết tăng nặng” định khung và kẻ phạm tội phải chịu mức chế tài nghiêm khắc hơn đã có tác dụng trừng trị và ngăn ngừa đáng kể.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải Hữu (Cục trưởng Cục Chăm sóc Bảo vệ trẻ em - Bộ LĐTB&XH), một nguyên nhân gây nên tình trạng xâm hại trẻ em là việc thiếu quy định hoặc chế tài xử phạt tuy có nhưng không tương xứng. Có thể thấy qua việc pháp luật chưa bắt buộc những người phát hiện, nghi ngờ trẻ em bị bạo lực, xâm hại phải khai báo, trừ phi các hành vi đó có yếu tố hình sự, chưa qui định về việc bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng hay thủ phạm…
Các chuyên gia pháp lý nhận định, việc xử lý các hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của trẻ em do nhiều yếu tố “ngăn cản”, trong đó hạn chế chính là định nghĩa “trẻ em” trong các văn bản pháp luật có liên quan. Pháp luật hiện hành qui định trẻ em là những người dưới 16 tuổi có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả xử lý liên quan đến người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên và người chưa thành niên là trẻ em.
Do đó, ông Nicolas Booth (Chuyên gia của UNDP) kiến nghị, bổ sung tình tiết “phạm tội đối với những người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi”, “người chưa thành niên không có điều kiện và khả năng bảo vệ mình”, “nhiều người giao cấu với một người”… là tình tiết tăng nặng định khung đối với những tội phạm xâm hại tính mạng, sức khỏe, các tội phạm về tình dục đối với trẻ em…
Huy Anh