Treo Quốc kỳ - hành động thiêng liêng được pháp luật bảo vệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Treo Quốc kỳ trong những sự kiện trọng đại thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc của mỗi người dân, đồng thời cũng thể hiện sự tri ân đối với những người đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ở góc độ pháp luật, có những văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc sử dụng Quốc kỳ sao cho đúng cũng như những chế định nghiêm khắc đối với hành vi xúc phạm Quốc kỳ.
Ảnh: Báo Lao động.
Ảnh: Báo Lao động.

Mới đây, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập, một phường trên địa bàn Hà Nội đã phát cờ Tổ quốc không đúng quy chuẩn cho người dân treo. Theo người dân thì lá cờ Tổ quốc được phát không đúng với quy chuẩn, đường may ngôi sao 5 cánh giữa lá cờ rất xấu, méo mó, cánh hẹp, cánh rộng, không cân đối; diện tích cờ thì ngắn hơn so với quy định…

Sau phát hiện của người dân, lãnh đạo phường này thừa nhận với truyền thông là chính quyền không kiểm tra kỹ những lá cờ do một đơn vị tài trợ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập phường trước khi được phát đến người dân. Phường đã và đang thu hồi những lá cờ Tổ quốc sai kích thước đã được phát đến người dân.

Quốc kỳ Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, là biểu tượng của ý Đảng, lòng dân, biểu tượng thiêng liêng nhất, thể hiện ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược và xây dựng đất nước hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc.

Lá cờ đỏ sao vàng là minh chứng khẳng định cho sự thống nhất, độc lập, tự chủ và hòa bình của dân tộc Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Theo tư liệu trong bài viết “Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam” của tác giả Thanh Tuấn đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Bộ Nội vụ (https://moha.gov.vn) thì ngay sau thời khắc lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội vào ngày 2/9/1945, ngày 5/9/1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 5 ấn định Quốc kỳ Việt Nam.

Quốc kỳ Việt Nam. Nguồn ảnh Bộ Nội vụ

Quốc kỳ Việt Nam. Nguồn ảnh Bộ Nội vụ

Sắc lệnh gồm 3 điều và một bản phụ kèm theo. “Điều 1. Cờ quẻ ly nay bãi bỏ. Điều 2. Quốc kỳ Việt Nam ấn định như sau này: a) Hình chữ nhật, bề ngang hai phần ba bề dài; b) Nền màu đỏ máu, ở giữa gần sao 5 cánh màu vàng nghệ tươi. Kích thước và cách gắn sao đã ấn định trong bản phụ đính kèm theo Sắc lệnh này”.

Theo Bản phụ Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam có kích thước: Nền cờ: Bề dài = a, bề ngang = 2/3a. Sao: Từ trung tâm đến hết I góc lồi = 1/5a, từ trung tâm đến I góc lõm = 1/10a. Mầu sắc: Nền mầu đỏ tươi, Sao vàng tươi.

Cách đặt sao: Ngôi sao vàng có 5 góc lồi và 5 góc lõm, trung tâm sao đặt đúng trung tâm nền cờ, một góc lồi quay thẳng lên phía trên theo đường AB.

Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó, phải có một Hiến pháp dân chủ. Tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội, sau nhiều buổi thảo luận sôi nổi để bổ sung, sửa đổi từng điều cụ thể, ngày 09/11/1946, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Hiến pháp năm 1946). Tại Điều thứ 3, Hiến pháp năm 1946 quy định: “Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh”

Đến Hiến pháp năm 1959, tại Điều 109 quy định: “Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.

Tiếp đó, tại Điều 142, Hiến pháp năm 1980; Điều 141, Hiến pháp năm 1992 và Điều 13, Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể hơn: “Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.

Bản phụ Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam. Nguồn ảnh Bộ Nội vụ

Bản phụ Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam. Nguồn ảnh Bộ Nội vụ

Có thể khẳng định, việc treo Quốc kỳ trong những sự kiện trọng đại thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc của mỗi người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đa số tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc treo Quốc kỳ, thời gian qua cũng còn tình trạng do không chú ý hoặc chưa được hướng dẫn nên một số nơi đã treo Quốc kỳ chưa đúng vô tình làm giảm tính trang nghiêm, ý nghĩa thiêng liêng của Quốc kỳ.

Quy định về việc treo Quốc kỳ đã được nêu trong một số văn bản như: Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL ngày 2/10/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điều 351, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Nghị định số 28/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2013/NĐ-CP) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, quy định: “Treo cờ Tổ quốc không trang trọng bị phạt 5 triệu đồng”…

Theo Hướng dẫn 3420/HD-BVHTTDL và Điều lệ 974-TTg, cách treo cờ Tổ quốc (Quốc kỳ) được hướng dẫn như sau:

- Khi treo Quốc kỳ chú ý đừng để ngược ngôi sao.

- Treo ảnh, chân dung lãnh tụ cùng với Quốc kỳ thì ảnh phải thấp hơn Quốc kỳ hoặc để ảnh trên nền Quốc kỳ dưới ngôi sao.