Các khách mời tham dự Tọa đàm có ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Bộ Tư pháp; bà Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang và ông Bùi Xuân Phái, Phó trưởng Bộ môn Lý luận nhà nước và pháp luật, Khoa Pháp luật Hành chính nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Năm 2019 đánh dấu mốc tròn 15 năm triển khai và thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và Luật PBGDPL. Trong 15 năm qua, nhiều Quyết định, Thông tư của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành liên quan quan đến công tác tuyên truyền pháp luật trên cả nước đã được ban hành để đưa pháp luật vào cuộc sống, từ đó tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc tiếp thu, nhận thức pháp luật của cán bộ và nhân dân cả nước. Năm 2019 cũng tròn 6 năm Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 đi vào cuộc sống theo tinh thần của Nghị định 28/2013/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL, công tác PBGDPL đã đạt được nhiều kết quả quan trọng sau 15 năm triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW. Theo đó, nhận thức của các cấp ủy và chính quyền trong chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL đã có sự chuyển biến tích cực; thể chế, chính sách của công tác PBGDPL cơ bản đã hoàn thiện; số lượng, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác này được từng bước cải thiện, nâng cao; nội dung, hình thức, mô hình PBGDPL có hiệu quả, phù hợp hơn với từng đối tượng, lĩnh vực, địa bàn…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các khách mời cũng đã chỉ ra một số bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 32- CT/TW như: còn tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn coi nhiệm vụ PBGDPL là của ngành tư pháp; chất lượng và hiệu quả công tác này chưa đồng đều; nguồn lực đảm bảo cho công tác này còn hạn chế… Từ đó, đưa ra những nhận định về thuận lợi, khó khăn trong thực hiện công tác PBGDPL hiện nay đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả PBGDPL. Trong đó, giải pháp xây dựng, ban hành các văn bản, quy định pháp luật thật sự chất lượng, cần thiết với cuộc sống, có tính khả thi cao và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp được xem là giải pháp then chốt để đưa pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.