Triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô

(PLVN) - Chiều 5/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND TP Hà Nội đối với nhóm vấn đề về công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước thuộc TP, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: Với quyết tâm chính trị, TP sẽ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính là điểm sáng nổi bật của TP Hà Nội

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Quang Thắng (Tổ Long Biên) đề nghị cho biết nguyên nhân xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số còn chậm so với kế hoạch.

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho biết, về khách quan, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số là vấn đề lớn, khó, nhất là đối với Thủ đô Hà Nội - một đô thị có quy mô lớn, dữ liệu đồ sộ.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, từ năm 2022, TP đã tập trung chỉ đạo khắc phục vấn đề này. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND TP ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện tạo chuyển biến tích cực.

Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch phân công 164 nhiệm vụ cho các sở, ngành để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh.

“Về triển khai Đề án xây dựng TP thông minh và trung tâm điều hành IOC, sắp tới, Sở sẽ phối hợp với đối tác để cung cấp thử nghiệm 1 năm hệ thống điều hành thông minh phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND TP”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng trả lời chất vấn.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng trả lời chất vấn.

Về nội dung phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính (TTHC) và quy trình nội bộ các đơn vị trong giải quyết TTHC cuả TP Hà Nội được một số đại biểu đề cập, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng khẳng định, ủy quyền giải quyết TTHC là điểm sáng nổi bật của TP Hà Nội thời gian qua, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là đơn vị đi đầu cả nước.

Theo Kế hoạch ủy quyền mà UBND TP đề ra là 617 thủ tục, đến thời điểm giám sát của HĐND TP, TP đã công bố quyết định ủy quyền và danh mục TTHC ủy quyền đã đạt được 531 thủ tục, đạt tỷ lệ 86,06%.

Về quy trình nội bộ đến thời điểm HĐND TP giám sát cũng đã ban hành được 485/617, nhưng cập nhật mới nhất, đã có 531/617 thủ tục có quy trình nội bộ được thông qua.

Theo ông Trương Việt Dũng, số thủ tục và quy trình còn lại liên quan đến 6 Sở. Văn phòng UBND TP đã làm việc trực tiếp với giám đốc các sở, dự kiến trong tháng 7/2023, 18 TTHC liên quan đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội và 9 TTHC liên quan đến Sở Công Thương sẽ được hoàn thành, nâng tỷ lệ ủy quyền TTHC lên 95%.

Liên quan đến vấn đề đánh giá cải cách hành chính, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh nhấn mạnh, tháng 9/2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá cải cách hành chính các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã.

Sau 2 năm thực hiện, Sở nhận thấy rằng, có một số tiêu chí còn hình thức, chưa lượng hóa được kết quả, chưa đánh giá được tính hiệu quả cải cách hành chính mang lại.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở đã hoàn thành xây dựng dự thảo bộ tiêu chí mới và đang gửi lấy ý kiến các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã.

“Các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí mới đều mang tính định lượng cao, có căn cứ đánh giá rõ ràng, cụ thể. Sau khi bộ tiêu chí mới được ban hành, chúng tôi sẽ tổ chức phổ biến, hướng dẫn bảo đảm việc thực hiện khách quan, công tâm, sát với kết quả thực hiện nhiệm vụ”, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết.

Hà Nội đi đầu trong hỗ trợ công dân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến

Tham gia trả lời chất vấn, làm rõ vấn đề các đại biểu nêu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, từ năm 2021 đến quý I/2023, tổng số TTHC TP là 1.867 (1.471 TTHC cấp TP, 284 TTHC cấp huyện và 112 TTHC cấp xã).

TP đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án ủy quyền trong giải quyết TTHC; đề xuất phương án ủy quyền 617/1.910 TTHC, đạt 37%. Quyết định ủy quyền 531/617 TTHC, đạt tỷ lệ 86,06%.

100% TTHC sau khi ủy quyền đều đã được ban hành quy trình nội bộ hướng dẫn thực hiện, tiếp tục đẩy mạnh việc ủy quyền thực hiện theo phương châm “cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó thực hiện, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”.

Chủ tịch Hà Nội khẳng định, việc tổ chức hoạt động tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đi vào nề nếp, ổn định. Tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn đạt 99,81% (cấp xã là 99,89%, cấp huyện là 99,88% và cấp TP là 99,68%).

TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Mô hình bộ phận một cửa hiện đại” với sự đầu tư đồng bộ, thống nhất toàn TP từ nhận diện thương hiệu đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực bảo đảm việc thực hiện với mục tiêu “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá”.

Đến nay, TP Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số trong việc thực hiện tương tác với chính quyền.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, từ năm 2021 trở lại đây, công tác chuyển đổi số đã được TP quan tâm triển khai. Tuy nhiên kết quả triển khai chưa đạt được tương xứng với tiềm năng, nguồn lực của TP.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ, với khối lượng công việc không nhỏ trong khi đây là những nhiệm vụ mới, khó, đặc biệt với quy mô rất lớn của TP 10 triệu dân, nhưng với quyết tâm chính trị của TP, TP chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Về chất vấn liên quan đến chuyển đổi số, Chủ tịch UBND TP Ha Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, UBND TP đã quyết liệt tập trung tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị của TP. Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực và các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội của TP.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, tới đây, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết của Thành ủy về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, kết hợp với rà soát, đánh giá, tổ chức bộ máy, luân chuyển, điều động cán bộ, mỗi người sẽ làm việc bằng hai, bằng ba để chúng ta xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn.

Đọc thêm