Kế hoạch nhằm bảo đảm cho việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện theo đúng mục đích, yêu cầu, nội dung và thời hạn đề ra; đánh giá được chất lượng, hiệu quả của công tác tổ chức tổng kết tại các Bộ, ngành, địa phương qua đó làm rõ kết quả tổng kết, phục vụ cho việc tổng hợp, xây dựng báo cáo tổng kết phạm vi toàn quốc và đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Theo kế hoạch, các Bộ, ngành, địa phương phân công cơ quan thanh tra làm đầu mối xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động tổng kết. Trường hợp cần thiết có thể thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo việc tổng kết. Căn cứ phạm vi nhiệm vụ được phân công của thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan chủ động liên hệ (qua cán bộ đầu mối giúp việc thành viên Ban Chỉ đạo) để trao đổi công việc, kiến nghị, phản ánh những vướng mắc, khó khăn cần được hướng dẫn, chỉ đạo.
Khi hoàn thành việc tổng kết, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tự chấm điểm, đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ tổng kết của Bộ, ngành, địa phương mình. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo sẽ xem xét, đánh giá việc tổng kết và thông báo kết quả đánh giá, phân loại tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
Thanh tra Chính phủ phân công thành viên Tổ công tác liên ngành và các đơn vị chức năng thuộc Thanh tra Chính phủ tham gia, giúp thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc tổng kết; Thông báo kế hoạch kiểm tra, dự hội nghị tổng kết của thành viên Ban Chỉ đạo, danh sách cán bộ đầu mối giúp việc thành viên Ban Chỉ đạo để các Bộ, ngành, địa phương liên quan biết, thực hiện. Thời gian tiến hành kiểm tra, dự hội nghị tổng kết trong khoảng từ tháng 12/2015 đến ngày 31/1/2016. /.