Từ trồng sen xuất khẩu đến các mô hình mới như trồng cây cảnh, cây công trình, chăn nuôi cá sấu... Anh hùng Lao động Nguyễn Đắc Hải (SN 1963, thôn Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã biến chuyển những cánh đồng, mảnh ruộng ngút ngàn cỏ lau thành những mảnh đất màu mỡ sinh sôi làm giàu cho gia đình, làm lợi cho xã hội.
Hai bên đường vào trang trại là những hàng cây xanh toả bóng râm mát, dưới ruộng là đồng lúa xanh rờn đang thì con gái. Trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà khang trang, rộng rãi nằm giữa trang trại ngút ngàn cây và hoa. Tại đây cũng đã từng tiếp đón Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cùng nhiều Nguyên thủ quốc gia đến thăm và động viên, khen ngợi...
Câu chuyện giữa chúng tôi xoay quanh những con số, thất bại và thành công của anh Hải trong chặng đường lập nghiệp từ mô hình kinh tế VAC. Có lúc giọng anh trầm xuống để nói về những thất bại đầu đời, khi lại hân hoan, tự hào về những thành quả đã đạt được.
Anh Nguyễn Đắc Hải |
Sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng, vùng đất được ví là nơi “chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã úng”, hơn ai hết, anh Hải thấu hiểu sự vất vả, khó khăn của người làm nông nghiệp. Đưa chúng tôi thăm khu ao nuôi 500 cá sấu, dừng chân bên đường có 2 hàng cau cảnh thẳng tắp, anh nhớ lại: “Bố tôi hy sinh ở chiến trường miền Tây Nam bộ từ khi tôi mới 5 tuổi nên có thể nói, tôi chưa hề biết mặt cha. Một mình mẹ tần tảo nuôi 3 anh em ăn học trên vùng đất đồng trũng Chuyên Mỹ chỉ toàn đầm lầy, cỏ lau mọc lút đầu người”.
Tuổi thơ của anh gắn liền với cánh đồng làng Ngọ Hạ nhiều hơn gắn với mái trường làng. Những năm tháng tuổi thơ cực nhọc không cho anh cơ hội được theo đuổi ước mơ học hành nhưng anh luôn tâm niệm “đâu phải chỉ có một con đường”. Chính điều đó đã hun đúc trong con người anh ý chí vươn lên mạnh mẽ, lập nghiệp và làm giàu từ đồng đất quê nhà.
Năm 1988, anh mạnh dạn đứng ra xin nhận thầu 10 ha đất vốn chỉ là khu đầm lầy với ý định ban đầu là trồng lúa, thả cá và nuôi trai lấy vỏ phục vụ nghề khảm trai của quê anh. Anh bộc bạch như cởi lòng mình: “Gian nan lắm nhà báo ơi. Nhìn cơ ngơi có được như ngày hôm nay, tôi không nghĩ mình đã làm được một khối lượng công việc lớn đến như vậy.
Thời bấy giờ, máy xúc, máy ủi, máy cắt cỏ chưa có. Do vậy, phải mất tới gần 1 năm cắt cỏ, vớt bèo, cải tạo khoanh bờ vùng, chia lô thửa. Vốn vay của bà con, cô bác thời bấy giờ nhiều thì 2 chỉ vàng, còn lại người thì dăm bảy chục cân thóc, người thì vài trăm gạch, con lợn và đổi ngày công. Kinh nghiệm làm trang trại cũng hạn chế, chưa có nhiều sách, báo và chương trình phổ biến kiến thức trên các kênh truyền hình nên trong quá trình làm tôi tự đúc rút kinh nghiệm là chính.”
Liên tiếp 3 năm đầu thua lỗ; cơn bão số 3 năm 1989 đã gần như xoá sạch mọi công sức, vốn liếng của anh. Nhìn cánh đồng mênh mông, tất cả số cá đã đầu tư vào trang trại đều bị dòng nước nhấn chìm, anh tưởng mình “trắng tay”, không thể gượng dậy nổi.
Sau những chuỗi dài thất bại, anh đã vạch ra cho mình những đường hướng cụ thể và từng bước thực hiện lối đi riêng cho mình. Anh cất công đi học hỏi kinh nghiệm: “Lúc khó khăn là lúc tôi nhận ra tình người vẫn còn mãi. Và để đền đáp sự giúp đỡ của mọi người, không còn cách nào khác, tôi phải thành công”.
Sau khi trở về, anh cải tạo hệ thống mương máng, xây bờ bao giữ cá khi có mưa lụt, chia ra các ô, phân khu để sản xuất ổn định, đặc biệt là xây thêm các cống thoát, dẫn nước và rải đá cấp phối hệ thống đường, kéo đường điện ra tận khu trang trại. Diện tích mặt nước anh phân vùng để nuôi cá giống, phần còn lại nuôi cá thịt: cá mè, rô phi đơn tính, cá chép lai, cá tra, chim trắng, cá quả, cá trắm đen. Nhờ cách làm này, từ chỗ thu hoạch cá 1 vụ/năm, cấy lúa tràn lan, Hải chuyển sang cấy lúa ở chân ruộng cao, đồng sâu trồng sen, thả cá, nuôi vịt.
Tận dụng diện tích đất bờ, anh trồng hơn 3 vạn cây bạch đàn, nhãn và hàng trăm cây chuối, táo, chanh... Năm 1995, doanh thu của trang trại đã đạt trên 500 triệu đồng, không những trả hết nợ, anh còn dư vốn để đầu tư, mở rộng trang trại...
Sau 20 năm phấn đấu, lăn lộn trên đồng ruộng, trang trại của anh đã mở rộng lên gấp 6 lần. Chưa dừng lại ở đó, năm 2009, anh tiếp tục đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi cá sấu với diện tích 1000 ha, quy mô 500 con... Từ mô hình làm ăn nhỏ lẻ, đến nay quy mô đầu tư cho trang trại đã lên đến 12 tỷ đồng. Thu nhập trên 1 ha đất canh tác lên tới 120 triệu đồng/ha/năm và tạo việc làm cho 30 lao động, khi thời vụ có thể lên tới 50 - 100 lao động với mức lương bình quân đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Vấn đề bảo hiểm của người lao động được đảm bảo. Đặc biệt, anh còn nhận phụng dưỡng một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở xã Hoàng Long. Ngày 27/7/2010, trang trại của anh đã ủng hộ 30 chiếc xe đạp (trị giá 31,5 triệu đồng) cho các cháu là con em các gia đình chính sách và hội viên Hội Người khuyết tật trong huyện.
Anh Hải chia sẻ dự án tạo ra những vùng rau sạch, an toàn, những vùng thực phẩm sạch để cung cấp cho Hà Nội. Anh dự định sẽ mở rộng quy mô trang trại khoảng vài trăm hecta, từ đó xây dựng những vùng chăn nuôi trồng trọt tập trung thu hút nhiều lao động địa phương. Khu trang trại của anh sẽ là nơi tham quan giao lưu học hỏi của nhiều nông dân khác để cùng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn. Tương lai, anh sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, tích cực ứng dụng các tiến bộ KHKT vào cây trồng, vật nuôi; tăng cường tiếp cận thị trường để phấn đấu đưa giá trị thu nhập bình quân tăng cao.
Được vinh danh là 1 trong 10 công dân Thủ đô ưu tú 2010, anh Nguyễn Đắc Hải cho rằng: “Đây là một vinh dự lớn lao, tuy nhiên tôi cũng nhận thấy rằng điều này cũng sẽ là một áp lực lớn, áp lực phải phấn đấu nhiều hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa, làm nhiều việc có ích hơn cho Thủ đô”.
Phú quý không quên cơ hàn. Có trong tay tài sản lớn nhưng Hải chưa bao giờ nhận mình đã giàu. Anh quan niệm không bao giờ được bằng lòng với những gì đang có mà phải luôn phấn đấu hết mình. Đó chính là lý do vì sao, đến nay anh vẫn không ngừng tìm tòi, học hỏi các cách làm mới, những mô hình hay. Với nụ cười đôn hậu và vẫn với vẻ khiêm nhường anh chậm rãi nói khi tiễn chúng tôi ra về: “Lúc này tôi cũng chưa dám nói trước điều gì. Thời gian sẽ trả lời.”
Không phô trương, không ồn ào, món quà mà anh mang đến mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chính là những việc làm giản dị, những dự định giản đơn và hơn hết là khát vọng vượt qua chính mình, làm giàu của một nông dân thực thụ.
Thu Hồng