Cuối năm 2013, Võ Văn Bình ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu bị Công an quận Tân Bình ra quyết định truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau nhiều tháng trời truy lùng nhưng bị can này vẫn lặn biệt tăm.
Đầu năm 2015, một cán bộ thuộc đội Cảnh sát truy nã Công an quận Tân Bình được giao nhiệm vụ thụ lý, lập kế hoạch truy bắt bị can Bình. Ngày 4/3/2015, Trần Hữu Trọng sinh năm 1989 là trinh sát thuộc đội Cảnh sát truy nã Công an quận Tân Bình được phân công hỗ trợ cho cán bộ này thực hiện nhiệm vụ trinh sát nhà cô ruột của Bình tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn từ ngày 4 đến ngày 7/4/2015.
Để thực hiện nhiệm vụ, vị cán bộ này giao cho Trọng một bản sao hồ sơ có liên quan tới bị can Bình. Cả hai cùng thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đến ngày 7/4 thì kết thúc, nhưng vẫn không bắt được Bình.
Mặc dù không còn được phân công nhiệm vụ truy bắt Bình, nhưng đầu tháng 5/2015, Trong đến nhà cô ruột của bị can Bình ở Hóc Môn, tự giới thiệu là cán bộ công an đang thực hiện nhiệm vụ truy bắt Bình, đề nghị cô này vận động Bình ra đầu thú, đồng thời Trọng đề nghị cô này cho số điện thoại di động của ông Võ Văn Đông sinh năm 1958 (bố ruột của Bình) để liên hệ.
Đến ngày 10/5/2015, Trọng gọi điện cho ông Động, tự giới thiệu là trinh sát đang thực hiện nhiệm vụ truy bắt Bình. Trọng gợi ý sẽ lo cho Bình có quyết định đình nã, được án treo, nhưng ông Đông phải đưa cho Trọng 15 triệu đồng.
Dù hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, bệnh tật, nhưng vì thương con nên ông Bình đồng ý.
Theo gợi ý của Trọng, ngày 13/5/2015, ông Đông đi đến một quán cà phê gần nơi Trọng công tác, cùng đi với ông Đông còn có ông Võ Văn Thịnh 86 tuổi, là cha ruột của ông Đông. Tại đây, Trọng mặc sắc phục công an, mang bản sao hồ sơ truy nã của Bình cho ông Đông xem. Do chưa vay đủ tiền nên ông Đông đưa trước cho Trọng 10 triệu đồng và được Trọng ghi giấy biên nhận.
Sau đó 2 ngày, ông Đông đi mượn được 5 triệu đồng và mang đến đưa cho Trọng tại quán cà phê lần trước. Để ông Đông yên tâm, Trong ghi tiếp vào tờ giấy nhận tiền lần trước với nội dung “Tôi chịu trách nhiệm về vụ này, đã nhận đủ tiền”.
Ngoài ra, do trước đó Trọng biết bị can Bình còn bị công an quận Tân Bình tạm giữ 3 xe gắn máy nên đến cuối tháng 5/2015, Trọng gọi điện cho ông Đông đề nghị chi tiếp 3 triệu đồng để Trọng lấy 3 chiếc xe này về cho Bình, ông Đông đồng ý.
Mặc dù đã giao tiền, nhưng chờ mãi mà không thấy Trọng giao quyết định đình nã, ông Đông sốt ruột, gọi diện hối thúc Trọng. Để đối phó với tình huống đó, Trọng sử dụng mẫu quyết định đình nã tại đơn vị, điền các thông tin rồi lên máy tính chỉnh sửa, cắt dán con dấu giống một quyết định đình nã thật, đưa cho ông Đông.
Cầm được “bảo bối” trong tay, Bình ung dung ăn chơi nhảy múa mà không sợ bị bắt. Thế nhưng gã không thể ngờ rằng mình đã bị “ăn quả lừa”.
Đến ngày 27/12/2015, Bình bị bắt theo lệnh truy nã khi đang tham dự một buổi tiệc. Khi bị bắt, Bình xuất trình quyết định đình nã đã được Trọng giao trước đó, vụ án bị phanh phui.
Trọng bị truy tố về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, còn ông Đông bị truy tố về hành vi “đưa hối lộ”..
Trong phiên tòa ngày 7/3/2017, Trọng ôm mặt, cúi đầu, tỏ ra ăn ăn hối hận về hành vi của mình. Theo đó, Trong đi nghĩa vụ công an từ năm 2009, sau đó được cử đi học. Trước lúc bị bắt, Trong là trung úy thuộc đội cảnh sát truy nã công an quận Tân Bình.
Trọng cho rằng vì không kiểm soát được bản thân nên rơi vào tình trạng ăn chơi, nợ nần. Sợ gia đình phát hiện, lo lắng nên Trọng đã nghĩ ra cách kiếm tiền trái pháp luật.
Trọng cúi đầu xin lỗi bị cáo Đông, mong HĐXX xử nhẹ cho bị cáo Đông vì bị cáo Đông có gia cảnh quá khó khăn, già yếu. Bị cáo Trọng cũng cúi đầu xin lỗi gia đình vì được sinh ra trong một gia đình có truyền thống, bố là công an, ông nội là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được gia đình nuôi nấng cho ăn học đàng hoàng, nhưng chưa đền đáp được gì, giờ lại rơi vào lao lý, đánh mất tương lai.
Còn bị cáo Đông khiến người dự khán chạnh lòng khi nói về hoàn cảnh của mình. Ông khai rằng không hề biết việc mình làm là phạm pháp, không chủ động, mà tất cả đều do Trọng tìm đến, gợi ý.
Với hành vi nêu trên, đại diện Viện kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trọng từ 12 đến 18 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng bị cáo Võ Văn Đông bị đề nghị từ 2 đến 3 năm tù về tội đưa hối lộ.
Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt hai bị cáo với mức án bằng nhau, 15 tháng tù giam. Hoàng Quý.