Tổng kết công tác tư pháp 2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp xem xét, quy định chỉ tiêu thực hiện vụ việc của Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) phù hợp với điều kiện thực tế, cụ thể: Từ khi bổ nhiệm đến dưới 03 năm được bổ nhiệm TGVPL: thực hiện ít nhất 02 vụ tố tụng/năm. Từ 03 năm đến 05 năm được bổ nhiệm TGVPL: thực hiện ít nhất 04 vụ tố tụng/năm.Từ trên 05 năm được bổ nhiệm TGVPL: thực hiện ít nhất 06 vụ tố tụng/năm. Đối với Giám đốc Trung tâm, đây là vị trí thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành chung cho tất cả các hoạt động của Trung tâm nên đề nghị không đặt chỉ tiêu thực hiện vụ việc tham gia tố tụng.
Vấn đề này, Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình xây dựng chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của TGVPL, Cục TGPL đã tham khảo số lượng án trên từng địa phương, nhu cầu TGPL của người dân, số lượng người được TGPL của mỗi địa phương, tính toán đến việc giảm chỉ tiêu vụ việc cho Giám đốc Trung tâm và Phó Giám đốc tương ứng với thời gian dành cho công tác quản lý để đưa ra chỉ tiêu hợp lý.
Việc thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của TGVPL cho thấy số vụ việc tham gia tố tụng của TGVPL tăng dần hàng năm (năm 2016 tăng 1.985 vụ so với năm 2015, năm 2017 tăng 1.077 vụ so với năm 2016). Qua việc thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của các TGVPL trong năm 2017, cho thấy bình quân mỗi TGVPL hoàn thành được 13 vụ tố tụng (tăng 01 vụ so với năm 2016). Như vậy, mức chỉ tiêu thực hiện vụ việc tham gia tố tụng là mức tối thiểu được áp dụng trong toàn quốc.
Kết quả thực hiện vụ việc tham gia tố tụng của TGVPL cho thấy khả năng thực hiện chỉ tiêu của TGVPL ở các Trung tâm vẫn còn. Nhiều TGVPL có mức thực hiện vụ việc cao. Bên cạnh đó, Luật TGPL năm 2017 đã mở rộng từ 06 - 14 diện đối tượng được TGPL, đồng thời Luật TGPL năm 2017, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giải thích quyền được TGPL, thông báo cho Trung tâm khi người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được TGPL. Do vậy, trong năm 2018 nhu cầu TGPL trong toàn quốc dự kiến sẽ tăng, đặc biệt là TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng.
Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp hướng dẫn Trung tâm có những giải pháp mạnh mẽ nhằm nâng cao nhận thức của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người thực hiện TGPL, người dân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về TGPL; tăng cường phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng góp phần hoàn thành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng do Bộ Tư pháp giao.
Trước quan tâm của các địa phương về công tác phối hợp, Bộ Tư pháp cho biết, để tăng cường hơn nữa công tác phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng và dự kiến Quý I/2018 sẽ trình liên ngành ký ban hành Thông tư, trong đó có quy định về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ và người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ trong việc giải thích, thông báo về quyền được TGPL, hướng dẫn tiếp cận thông tin với TGPL…, cũng như đề nghị Trung tâm cử người tham gia án chỉ định theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Dự thảo Thông tư liên tịch cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các ngành thành viên trong Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương.
Trước mắt, để tăng cường hoạt động của Hội đồng, Bộ Tư pháp đề nghị Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương cần chủ động phát huy vai trò của cơ quan thường trực Hội đồng và của ngành thành viên trong triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động hàng năm như: kiểm tra, họp liên ngành…Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc đề nghị cơ quan Thường trực Hội đồng có Công văn gửi Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.