Nhiều nút thắt
Tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng kinh doanh, xuất khẩu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp để tháo gỡ trong thời gian tới.
Là ngành hàng xuất khẩu với kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm song dệt may đang đối diện với những thách thức lớn từ sự suy giảm của thị trường, nhất là ở các thị trường chủ lực như Mỹ, EU. Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành, trước mắt, các đơn vị cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Tham tán thương mại. Trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU - những nơi mà Việt Nam đã ký những Hiệp định thương mại song phương.
Về trung, dài hạn, ông Tùng cho rằng, để phù hợp với chiến lược của ngành mà Chính phủ đã phê duyệt đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, cần hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia trong việc thực hiện các dự án xanh hoá như giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, giảm sử dụng hoá chất... chuyển đổi số trong ngành dệt may để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển và sản xuất nguyên liệu, đặc biệt là khâu vải hoàn tất.
Đặc biệt, cần xây dựng và quảng bá thương hiệu về ngành dệt may Việt Nam; hợp tác với đối tác nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực về thiết kế thời trang, sản xuất nguyên phụ liệu.
Một điểm đáng chú ý khác, theo ông Tùng, Nhà nước cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 2% cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh.
Với ngành hàng thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% - tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát nặng nhất. Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh.
Từ đó, ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị cần giảm lãi suất vay USD để dòng tiền không bị nghẽn. Vì nguồn tiền không có song doanh nghiệp vẫn phải duy trì thu mua nguyên liệu.
“Bên cạnh đó, Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, kích thích tâm lý, để nông ngư dân duy trì việc sản xuất. Đây chỉ là giải pháp mang tính giai đoạn nhưng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, ông Nguyễn Hoài Nam nêu ý kiến.
Đối với ngành hàng gạo, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế chính sách tín dụng cho ngành gạo do các doanh nghiệp trong ngành chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn tài chính hạn chế, khi tới mùa vụ thường thiếu vốn để thu mua lúa gạo.
Kiên trì, nỗ lực 'gỡ khó'
Để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp triệt để khai thác các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.
Bộ trưởng cũng đề nghị các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần tiếp tục kiên trì bám sát khách hàng, bám sát thị trường, phản ứng linh hoạt với thị trường để tổ chức kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả; chú trọng phát triển các thị trường ngách để bù đắp phần sụt giảm đơn hàng; đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ cần đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy các chuỗi cung ứng, liên thông, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.
|
Sắp có gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản. |
Trước đó, Chính phủ, bộ ngành, địa phương cũng đã có nhiều hoạt động như gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính; tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp…, nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp và sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt Chính phủ cũng có rất nhiều chỉ đạo, có nhiều Công điện và Chỉ thị để đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư.
Thủ tướng đã ký ban hành Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu; Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.
Mới đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong tháng 5 này, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tín dụng chủ động, hiệu quả, phù hợp để cung cấp vốn tín dụng; tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu. Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản, lâm sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, gỗ và lâm sản tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông - ngư dân.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi; nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5/2023.
Đối với Bộ Tài chính, Thủ tướng giao khẩn trương trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023. Vận dụng chính sách tài khóa mở rộng linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” IUU của EC, tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản.