Trong dịch COVID-19, làm sao để đồ ăn online an toàn?

(PLVN) - Đặt đồ ăn trực tuyến đang trở thành một thị trường tiềm năng, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến nhiều người ngại đi ra ngoài. Nhưng, điều đó cũng đặt ra vấn đề: ai chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm của món ăn, người bán hàng hay người vận chuyển?
Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề người tiêu dùng luôn đặt lên hàng đầu khi đặt món trực tuyến.

Trên thực tế, không ai phủ nhận được tiện ích của đặt đồ ăn online.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người dùng có thể lựa chọn hàng ngàn món ăn ngon từ hàng trăm cửa hàng, hợp khẩu vị của nhiều người trong gia đình nhưng không phải bỏ nhiều công nấu nướng chuẩn bị. Điều đó cũng phù hợp với công việc ngày một bận rộn của phụ nữ ngày nay.

Chị Minh Trang, một dân văn phòng tại khu vực quận I (TP.HCM) cho hay: “Ngay từ trước khi có dịch, tôi cũng đã rất hay sử dụng dịch vụ giao hàng online thông qua các ứng dụng, vì vừa rẻ, vừa tiện lợi lại nhanh chóng. Thậm chí, nhiều quán ăn còn miễn phí cước vận chuyển”.

Mặc dù thỏa mãn với dịch vụ đặt đồ ăn qua ứng dụng, vừa dễ sử dụng, thực đơn phong phú, nhưng chị Minh Trang cũng bày tỏ lo lắng khi mua hàng qua mạng không thể kiểm soát được quá trình chế biến đồ ăn và cả khâu vận chuyển giao hàng có đảm bảo an toàn thực phẩm không. 

Sự lo lắng của chị Minh Trang không phải là không có cơ sở, bởi hiện nay, chưa có một văn bản hướng dẫn hay quy định cụ thể nào đối với dịch vụ vận chuyển đồ ăn online.

Theo ghi nhận của PLVN, chỉ riêng trên địa bàn TP.HCM có khá nhiều ứng dụng đặt đồ online, tròn đó phổ biến nhất là 3 mạng, gồm: Now.vn (Foody), GrabFood, Go-Food. 

Anh Hải Trần - chủ một quán cà phê Take And Go - cho hay, thời điểm dịch COVID - 19 đơn đặt hàng của anh tăng đến 40- 50% % vì ai cũng ngại ra ngoài. “Nói thế không phải kinh doanh online đơn giản. Để có được khách hàng, các ứng dụng gọi món cũng cạnh tranh ghê lắm. Họ đưa ra nhiều khuyến mãi, tích điểm cộng dồn, trong khi người bán hàng như mình cũng phải có chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng lựa chọn quán ăn, cửa hàng mình” – anh Hải Trần nói.

Khi nhu cầu ngày càng cao thì các ứng dụng gọi món cũng ngày một “cởi mở”. Chính vì thế, hầu hết những người bán hàng truyền thống đều có một “gian hàng online” trên các ứng dụng gọi món. “Quy trình đăng ký bán hàng trên các ứng dụng gọi món khá đơn giản, Take And Go chỉ cần hợp đồng được ký với nhà cung cấp ứng dụng, chi phí cũng khá rẻ, là đã có thể sử dụng được” - anh Hải Trần cho biết.

Tuy nhiên, điều mà nhiều khách hàng phân vân, ràng buộc và quy trình giao nhận giữa nhà hàng – người vận chuyển như thế nào để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm? Nếu xảy ra rủi ro hay khách hàng bị ngộ độc, thì trách nhiệm trước tiên sẽ thuộc về người nào?

Dù người bán thực phẩm luôn cố gắng đảm bảo vệ sinh cho đồ ăn thức uống của mình, và người giao hàng cũng cố gắng đảm bảo tốt nhất món ăn trong quá trình giao nhận, nhưng rõ ràng cần phải có những quy định cụ thể, ràng buộc trách  nhiệm giữa các bên để khách hàng đảm bảo quyền lợi, yên tâm mua hàng. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát và dễ lây lan, sự an toàn và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng  càng phải được đặt lên hàng đầu.

Đọc thêm